Thứ sáu, 28/6/2024
Thứ ba, 15/12/2020, 15:08 (GMT+7)

Bên trong studio livestream bán hàng ở Việt Nam

Chi phí đầu tư cho một studio livestream bán hàng khá đa dạng, chỉ vài triệu đồng nhưng cũng có thể tới nửa tỷ đồng.

Nguyễn Chánh Trung, chủ thương hiệu mỹ phẩm Lagivado đang tạo tài khoản gian hàng, chuẩn bị livestream. Mất 30 giây để anh thực hiện thao tác khởi tạo này. Sau đó, anh sẽ gửi màn hình chờ cho nhân viên kỹ thuật studio để thiết lập buổi livestream thu bằng máy quay và phát bằng máy tính bàn.

Là dân kỹ thuật, anh từng có 5 năm làm kỹ sư xây dựng trước khi rẽ sang bán mỹ phẩm. Từ đầu năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện, anh đóng cửa gian hàng trực tiếp, chuyển toàn bộ hoạt động lên trực tuyến. Một trong những cách đầu tư cho trực tuyến của anh là livestream để bán hàng. Nhờ đó, doanh thu tăng đều đặn mỗi tháng 10% trong khi nhân sự cắt giảm một nửa.

Ngay trong khuôn viên văn phòng, anh Trung đầu tư một studio khoảng 30 m2 từ cuối năm ngoái. Anh học kinh nghiệm làm studio từ một người quen làm trong lĩnh vực truyền hình. Cùng với đó, anh tham gia các lớp huấn luyện của sàn thương mại điện tử. Trung cho biết tổng chi phí đầu tư cho studio đến nay đã hơn 500 triệu đồng.

Với các nhà bán hàng khác có đầu tư khiêm tốn, họ dùng chính điện thoại đó live ngay sau khi tạo màn hình chờ mà không cần thiết lập gì thêm.

"Thật ra những người đầu tư đơn giản thì chỉ cần một cái đèn đánh sáng, có thể mua dễ dàng ở các cửa hàng điện thoại là live được. Các nhà livestream ở Trung Quốc cũng chuộng cách livestream trực tiếp bằng điện thoại", anh Trung nói.

Công ty anh Trung có một nhân viên chuyên làm nhiệm vụ xuất hiện livestream. Cô sẽ "lên sóng" đều đặn 3-5 lần mỗi tuần vào các khung giờ cố định, bắt đầu lúc 12h trưa hoặc 20h tối. Mỗi ca kéo dài 45 phút. "Đó là khung giờ giới văn phòng nghỉ trưa và đã xong buổi cơm tối", Trung nói, "Nhờ livestream mà đợt 11/11 gian hàng của tôi có thêm 5.000 lượt theo dõi".

Trong suốt buổi livestream, người dẫn dắt nói chuyện liên tục. Vì bán mỹ phẩm nên cô chủ yếu phụ trách vai trò là một chuyên gia tư vấn chăm sóc da cho khách hàng. Cô sẽ trả lời các câu hỏi khách hàng đặt ra khi bình luận livestream. "Lợi ích của livestream là tăng tương tác, giúp khách hiểu rõ sản phẩm và hút thêm lượt theo dõi", Trung nói.

Ngoài người xuất hiện trên sóng, hay còn gọi là streamer, buổi livestream của studio cần thêm một nhân viên kỹ thuật. Người này chịu trách nhiệm toàn bộ vận hành còn lại, từ khâu ánh sáng, máy quay, kết nối phát sóng. Tất nhiên, đây cũng là nhân viên toàn thời gian của công ty.

Trong ảnh là màn hình máy tính vận hành buổi livestream của nhân viên kỹ thuật tại studio. Khung bên phải là hình ảnh đang thu trực tiếp từ máy quay. Khung bên trái là ảnh thông báo tạm ngừng phát sóng được chuẩn bị sẵn nếu có sự cố tại studio trong lúc đang live.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đầu tư đến nửa tỷ để livestream bán hàng. Trong ảnh là khung cảnh livestream của một "studio vài triệu đồng". Streamer tên Thoa của Công ty Thế Giới Tin Học đang livestream bán camera ngay tại phòng làm việc của mình.

Ông Lê Quang Khải, Tổng giám đốc công ty cho biết, phòng livestream công ty ông đầu tư chỉ tốn vài triệu đồng, chủ yếu là những phụ kiện như một cái đèn chiếu sáng, bộ mic... Trong khi đó, nhân viên tận dụng smartphone và laptop sẵn có để phục vụ livestream.

Một góc phòng được Thoa trang trí hậu cảnh cho tươm tất để giới thiệu sản phẩm. "Ngày thường, tôi tự livestream một mình với cái điện thoại. Chỉ vào lúc những sự kiện khuyến mại lớn tôi mới nhờ IT lên hỗ trợ live qua máy quay hành trình và phát qua laptop", chị nói.

"Tôi vốn không phải là người giỏi ăn nói nên ban đầu cũng không tự tin", chị Thoa kể những ngày đầu mỗi buổi "lên sóng" chỉ có khoảng 70 người xem. Còn hiện nay, mỗi buổi chị thu hút 300-500 khách, các sự kiện lớn thì 1.000-2.000 khách, đỉnh điểm có thể đạt 4.000.

Streamer sẽ phải nói rất nhiều. Kịch bản thông thường là chị sẽ chào khán giả, giới thiệu tổng quan các sản phẩm của buổi trò chuyện. Tiếp theo, chị sẽ giới thiệu kỹ từng sản phẩm đang xem với chia sẻ những câu chuyện vui và mở minigame cho mọi người tham gia. "Chính lúc họ chơi minigame là mình được giải lao, nghỉ nói được một chút", chị cho biết.

Lần đầu livestream vào đầu năm nay, gian hàng của công ty trên sàn thương mại điện tử chỉ có hơn 3.000 lượt theo dõi. Đến nay, gian hàng đã có hơn 77.000 lượt theo dõi. "Đa phần khách hàng là những hộ gia đình hoặc văn phòng nhỏ", chị nói.

Ông Lê Quang Khải (bên trái) ngồi chia sẻ cùng streamer Thoa sau buổi phát sóng.

Ông Khải thừa nhận, doanh thu của riêng bán hàng trực tiếp lúc livestream chưa chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu nhưng là cơ hội để chia sẻ trực quan cách sử dụng, lợi ích, tính năng của sản phẩm cũng như tìm thêm khách hàng tiềm năng.

Vào những đợt khuyến mại lớn, chị Thoa livestream liên tục mỗi ngày 2 ca, suốt cả tuần. Doanh thu vào những ngày khuyến mại này có thể tăng 30-40% so với ngày thường. Riêng trong đợt 11/11 vừa qua, hoạt động livestream giúp gian hàng công ty chị có thêm 6.000 người theo dõi.

Thậm chí một số nơi khác như tại Mây tre đan Desert Flower và cửa hàng cây Grow Garden không có khoản đầu tư nào, mà họ livestream ngay tại cửa hàng bằng điện thoại.

Do đó, vốn thiết bị cho livestream là 0 đồng vì chỉ dùng điện thoại và ánh sáng từ đèn trang trí sẵn có trong shop. "Chúng tôi đang định sắm thêm một đèn livestream. Theo tìm hiểu tại các cửa hàng điện thoại thì chỉ vài trăm nghìn thôi", Thúy Vân nói.

Xuất phát từ Trung Quốc, trào lưu bán hàng livestream tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm qua. Không chỉ livestream bán trên mạng xã hội, nhiều nhà bán hàng còn tận dụng trên các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo.

Lazada Việt Nam cho biết, quý III, số đơn hàng thành công thông qua kênh livestream của nền tảng này tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ 2019. Tổng số nhà bán hàng và thương hiệu tham gia livestream tăng hơn 6,5 lần. Chỉ trong ngày 11/11, kênh LazLive thu hút hơn 11 triệu lượt xem.

Phía Shopee thì cho hay, trong suốt các ngày chiến dịch 12/12 vừa qua, có đến 450 triệu lượt xem được ghi nhận trên Shopee Live toàn Đông Nam Á.

Viễn Thông - Anh Lê