Anurak Saruethai là con trai của một ngư dân Thái Lan nhưng cuộc sống của anh chưa từng gắn với nghề đi biển. Dù vậy, hải sản lại "đối xử" rất tốt với Anurak.
Mỗi tối, Anurak phát video trực tuyến (livestream) trên Facebook để bán tôm, mực, cá khô. Bằng sự hài hước và nhanh nhẹn, anh thu hút khoảng 300.000 người xem một lúc. Phía sau camera của Anurak là một nhóm hỗ trợ nhận đơn hàng, trả lời các câu hỏi qua tin nhắn trên Facebook, thanh toán... Đồng thời, mỗi khi livestream, họ cũng giúp Anurak liên tục giới thiệu sản phẩm và hét lớn cùng ông chủ để tăng tính tương tác với khách hàng.
Hình thức kinh doanh của anh đang rất thuận lợi. Anurak cho biết, đạt doanh thu 26 triệu baht (gần 830.000 USD) trong tháng 3. Anh có thể thu 32.000 USD trong ba giờ livestream bán hải sản mỗi ngày.
"Facebook và Instagram tạo cơ hội cho mọi người. Nếu bạn làm đúng với nội dung tốt, bạn có thể kiếm hàng triệu USD chỉ trong 7 tháng", anh nói với Reuters từ làng chài ở tỉnh Satun, miền nam Thái Lan. Anurak chia sẻ bí quyết, anh đưa ra lý do cần thiết để người xem chọn mua sản phẩm của mình vì ai cũng cần tìm một lý do khi mua hàng.
Bên cạnh đó, Anurak cũng thể hiện mình rất hiểu các loại hải sản như là một ngư dân. Anh tư vấn cho khách loại hải sản ăn ngon nhất mỗi mùa, cũng như cách để chế biến, ăn loại hải đó tốt nhất. Hiện ông chủ này có hơn 700.000 người theo dõi trên Facebook.
Thành công của Anurak cũng là biểu tượng cho sự bùng nổ kinh doanh qua mạng xã hội tại Thái Lan. Tại đây, các doanh nhân bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng qua Facebook, Instagram và Line.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Phát triển Giao dịch điện tử Thái Lan, doanh số bán hàng qua mạng xã hội ở nước này đã tăng gấp đôi lên hơn 344 tỷ baht (khoảng 11 tỷ USD) năm 2017 nhờ sự thúc đẩy các ứng dụng ngân hàng di động. Con số này chiếm 44% tổng doanh thu thương mại điện tử tại nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á.
"Bán hàng qua mạng xã hội là một kênh để phát triển vì Facebook đã dịch chuyển mạnh hơn theo hướng thương mại với việc ra mắt nhiều tính năng thân thiện với thương mại hơn gần đây", Alessandro Psicini – đồng sáng lập hãng tư vấn thương hiệu Crea nhận định. Không chỉ các cá nhân, hai trung tâm thương mại lớn nhất Thái Lan cũng bắt đầu livestream bán hàng từ năm ngoái.
Tháng trước, Facebook thông báo muốn mở rộng sang thanh toán và ra mắt đồng tiền riêng. Trong khi, từ tháng 3, Instagram đã giới thiệu nút thanh toán cho phép người dùng mua sắm mà không phải thoát khỏi ứng dụng. Tuy nhiên, tính năng này mới giới hạn ở một số thương hiệu và thị trường Mỹ.
Theo hãng tư vấn McKinsey & Company, tại khu vực, chỉ có Indonesia mới có thể so sánh với Thái Lan về doanh thu bán hàng qua mạng xã hội. Bán hàng qua mạng xã hội chiếm 40% tổng doanh thu thương mại điện tử tại Indonesia nhưng giá trị nhỏ hơn, chỉ khoảng 3 tỷ USD. Thị trường này tại Indonesia kém phát triển hơn vì người dân sở hữu tài khoản ngân hàng ít hơn và khó khăn trong giao nhận hàng hóa khi có quá nhiều đảo.
Còn tại các quốc gia châu Á khác, dù bán hàng trên mạng xã hội cũng tăng trưởng, việc mua bán trên các nền tảng thương mại điện tử lớn nhu Alibaba tại Trung Quốc, Amazon tại Nhật, Walmart tại Ấn Độ vẫn đang là quy chuẩn.
Tú Anh (theo Reuters)