Một người dắt chó đi qua căn hầm ngầm chống hạt nhân mang tên Hoa mẫu đơn, nơi Wikileaks thuê đặt máy chủ, tại Thụy Điển. Ảnh: Switched.com. |
"Mọi sự ầm ĩ khắp toàn cầu hiện nay bắt nguồn từ hai chiếc hộp nhỏ kia", Jon Karlung, Giám đốc đồng thời là người sáng lập Bahnhof, một trong những công ty lưu giữ server cho Wikileaks, cho hay.
Karlung cúi xuống sàn nhà, chỉ vào hai chiếc hộp bé xíu màu đen đầy dây điện xung quanh. Chiếc đèn màu xanh trên hộp nhấp nháy liên tục, chứng tỏ nó vẫn hoạt động.
Những server này được đặt trong cabin màu trắng có khóa cùng hàng dãy những cabin khác trong căn phòng rộng có tường đá dưới dòng núi. Căn phòng u u âm thanh phát ra từ server và những chiếc quạt gió làm mát.
Trung tâm này thu hút sự chú ý của cả thế giới kể từ khi Wikileaks tung ra tài liệu bí mật về thư tín ngoại giao của Mỹ.
Theo Karlung, Wikileaks được họ đối xử như bất kỳ khách hàng nào khác của Bahnhof. Tuy nhiên, nơi này trông như cảnh cắt ra từ một phim khoa học viễn tưởng hoặc tình báo, cũng như hành tung đầy bí ẩn của vị khách hàng được nói đến nhiều nhất của Bahnhof - chủ của Wikileaks Julian Assange.
Được đặt mật mã "Hoa mẫu đơn", boongke này được thiết kế từ giữa những năm 1940 sau đó được gia cố thêm trần chống bom hạt nhân trong thời Chiến tranh Lạnh.
Nơi này từng được sử dụng vào những mục đích khác nhau. Trong những năm 1990, nó từng là nơi triển lãm và vài năm trước, công ty Bahnhof tiếp quản cơ sở này và dùng làm trung tâm dữ liệu.
Căn hầm đó đảm bảo an toàn cho Wikileaks nhưng mối đe dọa thực sự lại không phải từ các vụ tấn công bằng vũ lực. "Chúng tôi được phòng vệ rất tốt trước các cuộc tấn công vũ lực nhưng chuyện đó không xảy ra. Mối đe dọa thực sự là các cuộc tấn công trên mạng và pháp lý", Karlung nói.
Trong căn phòng gần nơi để máy chủ, Karlung chỉ vào màn hình chiếu mức độ truy cập vào các server của Wikileaks và nói đầy tự hào rằng cho tới giờ, họ chưa bị tấn công trực tiếp lần nào.
Video: Bên trong căn hầm ở Thụy Điển
Karlung cũng khẳng định Wikileaks đặt máy chủ ở các nơi khác nữa. "Họ không bỏ tất cả trứng vào một giỏ", ông nói.
Khi được hỏi về những ầm ĩ liên quan đến việc Wikileaks công bố thư tín bí mật của ngành ngoại giao Mỹ, Karlung nói rằng khách hàng của ông có thể sử dụng máy chủ vào bất kỳ việc gì họ muốn miễn là không vi phạm luật pháp của Thụy Điển.
"Điều duy nhất có thể ảnh hưởng đến máy chủ của họ ở đây là khi họ có tài liệu bất hợp pháp. Họ phải thanh toán lệ phí và tài liệu phải hợp pháp ở Thụy Điển", ông nói.
Karlung cho rằng dịch vụ giữ máy chủ giống như nghề đưa thư. "Hỏi tôi khách hàng dùng máy chủ của họ vào việc gì không khác gì hỏi người đưa thư liệu ông có đọc trộm thư hay không", Karlung nói.
Chủ Wikileaks là Assange đang ngồi tù ở London để chờ phán quyết về việc dẫn độ tới Thụy Điển, nơi ông bị truy nã vì cáo buộc cưỡng bức hai phụ nữ. Lệnh truy nã được đưa ra sau khi Wikileaks công bố các thông tin nhạy cảm về chiến tranh Iraq, Afghanistan và ngoại giao Mỹ.
Assange sinh tại thành phố Townsville, bang Queensland, miền bắc Australia năm 1971 và từng là một hacker khét tiếng. Ông và các cộng sự cho ra đời trang Wikileaks năm 2006. Wikileaks gây chấn động dư luận năm nay với ba lần tung các tài liệu mật của Mỹ, bao gồm 90.000 tài liệu về chiến tranh Afghanistan, 400.000 tài liệu về chiến tranh Iraq và mới đây nhất là hàng nghìn trong tổng 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ.
Ngọc Sơn (theo AFP)