Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ hai, 8/2/2021, 15:45 (GMT+7)

Bên trong Bệnh viện dã chiến tại Gia Lai

Hơn một ngày thi công cải tạo, Bệnh viện dã chiến ở TP Pleiku đã sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm nCov từ ngày 11/2.

Khu điều trị dịch vụ chất lượng cao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, được trưng dụng làm nơi lập bệnh viện dã chiến trước diễn biến phức tạp của Covid-19. Công trình gồm hai tòa nhà cao 7 tầng, với 300 giường bệnh.

Gia Lai là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên xuất hiện Covid-19 và hiện là vùng dịch lớn thứ tư cả nước với 19 ca. Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở thị xã Ayun Pa (7 ca) và huyện Ia Pa (6 ca) hôm 30/1, sau đó lan ra huyện Krông Pa (3 ca), huyện Phú Thiện (một ca) và TP Pleiku (2 ca).

Phòng điều trị dịch vụ có đầy đủ bàn ghế, tủ lạnh, tủ đựng quần áo... được bài trí khang trang, sạch đẹp.

Bác sĩ Trần Thanh Linh (trái), người từng tham gia điều trị bệnh nhân phi công người Anh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), có mặt tại Gia Lai để hướng dẫn lập Bệnh viện dã chiến.

Đợt này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử Đội phản ứng số hai gồm năm y bác sĩ, bác sĩ Linh làm trưởng đoàn.

Hai máy chạy thận đã được tập kết tại khu vực cấp cứu các bệnh nhân nặng. Các thiết bị xét nghiệm, máy thở... và vật tư y tế sẽ được bổ sung trong những ngày tới.

Chuyên gia hướng dẫn, phân chia khu cấp cứu, điều trị, phân loại và cách ly ca bệnh... cho các nhân viên y tế. Cũng hôm 7/2, Đoàn bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình vận hành, hoạt động bệnh viện dã chiến cho hơn 20 nhân viên, gồm: ban giám đốc, trưởng các khoa và điều dưỡng trưởng các khoa.

Anh Lê Văn Tài, thợ điện nước cho biết, do hệ thống nước của bệnh viện đã có sẵn từ trước nên không tốn thời gian lắp đặt, sửa chữa.

Công nhân lắp đặt các vách ngăn bằng nylon giữa các phòng để đảm bảo an toàn việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đơn vị thi công đục tường, xuyên qua phòng khác theo sự hướng dẫn của các chuyên gia.

Hiện có 10 công nhân đang tất bật thi công các hạng mục như hệ thống điện, nước, thiết kế trần nhà...

Khu vực chứa các vật dụng cá nhân như chăn, màn, gối, các loại nước rửa tay... sẵn sàng cho công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.

Hệ thống camera giám sát các phòng bệnh được đặt tại phòng bảo vệ của bệnh viện.

Theo Sở Y tế Gia Lai, để vận hành Bệnh viện dã chiến cần có một giám đốc, hai phó giám đốc và 100 cán bộ.

Trần Hóa