Với nguồn lây từ Hải Dương, dịch tại Gia Lai được phát hiện đầu tiên ở thị xã Ayun Pa (6 ca) và huyện Ia Pa (6 ca) hôm 30/1, sau đó lan ra huyện Krông Pa (3 ca), huyện Phú Thiện (một ca) và TP Pleiku (2 ca).
Gia Lai là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên xuất hiện người mắc Covid-19 và trở thành vùng dịch lớn thứ tư cả nước hiện tại, sau Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Hiện địa phương phải phong tỏa nhiều nơi để truy vết, dập dịch.
Đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Hoàng Sa, TP Pleiku
Ngày 3/2, lực lượng chức năng căng dây, chốt chặn đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn và đường Hoàng Sa, phường Ia Kring, cách nhau khoảng 4 km. Người dân không được ra vào khu vực này. Chỉ những cán bộ, nhân viên y tế mới được ra vào để lấy khoảng 400 mẫu xét nghiệm ở hai đoạn đường này. Lực lượng quân đội được điều đến phun thuốc khử khuẩn.
Căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu và quán cà phê trên Hoàng Sa là nơi tài xế 35 tuổi mắc Covid-19 từng ghé. Nam bệnh nhân này trong quá trình chở khách đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân ở huyện Ia Pa. Đây cũng là ca bệnh thứ 14 tại Gia Lai. Bệnh viện đa khoa Gia Lai (TP Pleiku) đang cách ly điều trị cho nam tài xế và một ca khác.
Phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa
Cách TP Pleiku khoảng 100 km về hướng đông nam, sáng sớm cuối tháng một, hàng trăm người dân ra vào thị xã Ayun Pa làm việc, song hôm đó tất cả đều bị lực lượng chức năng chốt chặn ở cầu Bến Mộng và một số tuyến đường vào thị xã. Họ được cán bộ giải thích rằng, vừa phát hiện hai vợ chồng mắc Covid -19 đầu tiên tại tỉnh, chính quyền phải phong tỏa 5.800 dân ở phường Cheo Reo.
Hôm 17/1, cặp vợ chồng này đến tỉnh Hải Dương và đi chung xe đưa dâu với "bệnh nhân 1612" lên huyện Ba Vì (Hà Nội) và trở về cùng xe. Ba hôm sau họ đón xe khách từ Hải Dương về Gia Lai.
Từ Hải Dương trở về thị xã Ayun Pa, người vợ đi làm bình thường ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, cách nhà hơn 12 km. Thỉnh thoảng, chị giúp mẹ bán hàng ở chợ. Hai con của họ đi học trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (thị xã Ayun Pa).
Khi Gia Lai phát hiện hai vợ chồng này mắc Covid-19, là "bệnh nhân 1696" và 1697 hôm 30/1, ngôi trường hai con của họ đang theo học buộc phải đóng cửa, thực hiện công tác khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực trường.
Xã Ia Trôk, huyện Ia Pa
Cách phường Cheo Reo 20 km, người chồng đến dự đám cưới ở xã Ia Trôk. Bữa tiệc hôm 21/1 có khoảng 50-60 khách mời. Từ điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định Ia Trôk là ổ dịch thứ hai, lập tức cho phong tỏa toàn bộ hơn 9.000 dân ở trong xã sáng 30/1 và phun thuốc khử khuẩn.
Ông Ksor Tâm, Chủ tịch UBND xã Ia Trôk cho biết, sau khi xác định ca dương tính nCoV, hàng chục cán bộ thành lập hai chốt ở lối vào xã, khoanh vùng, truy vết các trường hợp tiếp xúc bệnh nhân. "Việc chốt chặn thực hiện nghiêm ngặt, cho đến khi có thông báo của cấp trên", ông Tâm nói.
Đây lần đầu tiên địa phương thực hiện phong tỏa. Theo ông Tâm, quá trình truy vết, các cán bộ y tế còn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, văn hóa, phong tục tập quán của người đồng bào thiểu số.
Trung tâm Y tế huyện Ia Pa
Từ 0h ngày 30/1, Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, nơi nữ bệnh nhân ở phường Cheo Reo công tác, buộc phải cách ly và triển khai ngay công tác khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực trung tâm. Cảnh sát đã lập chốt chặn ở cổng, không cho người ra vào. Mọi hoạt động thăm khám của người dân trong khu vực được phân luồng sang cơ sở y tế lân cận. Đồ tiếp tế người thân mang đến để ở cổng, bệnh nhân tự ra lấy. Cùng ngày, khu điều trị bệnh nhân Covid -19 của Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa cũng bị phong tỏa, do đang điều trị cho 6 người mắc Covid -19.
Buôn Sơ Ma Rơng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện
Làng Sơ Ma Rơng xuất hiện nam thanh niên 26 tuổi, liên quan đôi vợ chồng ở thị xã Ayun Pa. Tối 1/2, bệnh nhân này được xác định nhiễm nCoV. Trong đêm, huyện Phú Thiện, kiểm soát, khoanh vùng, thiết lập các chốt chặn tại các cửa ngõ giao thông. Địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly toàn bộ buôn Sơ Ma Rơng, từ 8h ngày 2/2 cho đến khi có thông báo mới.
Chính quyền yêu cầu mọi người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc.
Tiệm gội đầu và siêu thị ở xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa
Ngày 27/1, đoàn công tác của Viện sốt rét Trung ương từ Hà Nội đến huyện Krông Pa công tác. Sau đó nữ cán bộ đón xe Hùng Phương đến làm việc tại trạm y tế xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa.
Sáng hôm sau, đoàn công tác cùng người đàn ông 38 tuổi (ở xã Chư Rcăm) đến huyện Ia Pa, uống cà phê tại quán Linh Nhi, xã Kim Tân, tiếp xúc gần với em chồng của "bệnh nhân 1696". Sau đó, cả hai tham gia tập huấn cho cán bộ tại hội trường Trung tâm Y tế huyện Ia Pa và về nghỉ tại Trạm Y tế xã Chư Rcăm.
Ba người trong đoàn công tác (2 nữ cán bộ Viện sốt rét Trung ương và một cán bộ địa phương) được xác định nhiễm nCoV, Ban chỉ đạo phòng, cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa xã Chư Rcăm và tiệm gội đầu, làm móng Phạm Thị Vân (thôn mới, xã Chư Rcăm, Krông Pa); siêu thị Cường Mi, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa - nơi những ca bệnh đến.
8 ngày qua, từ 28/1 đến 4/2, Bộ Y tế công bố 366 ca nhiễm cộng đồng, ở 10 tỉnh thành gồm: Hải Dương (278), Quảng Ninh (44), Hà Nội (22), Gia Lai (18), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca. Cả nước đã ghi nhận 1.957 ca nhiễm, 1.465 người khỏi bệnh, 35 người tử vong.
Trần Hóa