"Tôi vừa ký các tài liệu xác nhận tôi đã được ân xá", hãng thông tấn Belta của Belarus hôm 22/5 dẫn lời Protasevich cho hay. "Tôi vô cùng biết ơn đất nước và Tổng thống vì quyết định như vậy. Đây là tin tức tuyệt vời".
Protasevich, cựu biên tập viên hãng tin Ba Lan Nexta, bị bắt tháng 5/2021 và bị truy tố vì cáo buộc hỗ trợ điều phối các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko hồi năm 2020.
Để bắt Protasevich, Belarus điều tiêm kích, ép chuyến bay của hãng Ryanair khởi hành từ Athens, Hy Lạp, để tới thủ đô Vilnius, Litva phải chuyển hướng đến Minsk. Protasevich, 28 tuổi, và bạn gái Sofia Sapega, hai trong số hơn 170 người trên chuyến bay, bị bắt sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp.
Nhiều nước phương Tây cáo buộc chính quyền Belarus có hành vi "không tặc" với một máy bay châu Âu và yêu cầu thả Protasevich. Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí ngừng các tuyến hàng không với Belarus và áp đặt thêm biện pháp trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, Belarus tuyên bố họ hành động để đảm bảo an toàn cho chuyến bay của Ryanair sau khi nhận cảnh báo có bom trên khoang. Nga cũng bày tỏ tin tưởng giải thích của Belarus.
Đầu tháng này, một tòa án ở Belarus kết án Protasevich 8 năm tù. Anh bị quản thúc tại gia sau phiên tòa.
Trong phiên tòa hồi tháng 2, Protasevich nói rằng anh "hoàn toàn có tội". Hai người vận hành kênh Telegram của Nexta là Stepan Putilo và Yan Rudnik, lần lượt bị kết án vắng mặt 20 năm và 19 năm tù.
Các cáo buộc bao gồm công khai kêu gọi gây rối, tổ chức các cuộc tấn công khủng bố, xúc phạm Tổng thống và lan truyền thông tin sai lệch về Belarus.
Biểu tình ở Belarus kéo dài hơn 6 tuần hồi giữa năm 2020 sau khi ông Alexander Lukashenko, người cầm quyền 26 năm, tuyên bố tái đắc cử với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Nexta, kênh phổ biến trên YouTube và Telegram, đóng vai trò lớn trong các cuộc biểu tình. Kênh này đã bị cấm ở Belarus và bị coi là "tổ chức khủng bố".
Huyền Lê (Theo AFP)