Phó giáo sư Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 18/9, cho biết thăm khám không ghi nhận thêm triệu chứng bất thường, không nhiễm trùng. Kết quả các xét nghiệm cho thấy phản ứng viêm của bé tăng cao, siêu âm tim phát hiện giãn động mạch vành trái.
Kết quả PCR của bé hai lần đều âm tính nhưng nồng độ kháng thể IgG rất cao, phù hợp với tiền sử gia đình nghi nhiễm Covid-19. Cách nhập viện khoảng một tháng, cả nhà bé có triệu chứng sốt, ho, mất vị giác, tuy nhiên không được xét nghiệm xác định mắc Covid-19.
Sau hai ngày điều trị, bé hết sốt, các xét nghiệm viêm về bình thường. Bé được xuất viện sau hai tuần điều trị.
Theo phó giáo sư Nguyên, Covid-19 ở trẻ em có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ không triệu chứng đến triệu chứng nặng, nguy kịch, trong đó hầu hết không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ở giai đoạn cấp của bệnh. Tuy nhiên, khác với người lớn, ở giai đoạn hồi phục, trẻ em có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống, xảy ra chủ yếu 2-6 tuần sau nhiễm bệnh.
Trẻ nhỏ mắc hội chứng này biểu hiện giống Kawasaki, trẻ lớn thường bị tổn thương tim như giảm chức năng tim, giãn mạch vành. "Tiên lượng bệnh thường tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện và điều trị trễ có thể dẫn đến suy tim và tử vong", phó giáo sư Nguyên phân tích.
Bác sĩ Nguyên cho rằng, chẩn đoán hội chứng viêm đa hệ thống sau Covid-19 cần được nghĩ đến sau khoảng 2-6 tuần nhiễm hay thậm chí nghi nhiễm. Đây là dạng lâm sàng nguy kịch ở trẻ em mắc Covid-19, thường gặp ở trẻ lớn và nhập viện trong tình trạng suy chức năng tim, giãn mạch vành giống như viêm cơ tim. Tình trạng có thể gây tử vong vì suy tim, suy đa cơ quan.
Theo phó giáo sư Nguyên, cần liên hệ đến tiền căn của trẻ và gia đình về các triệu chứng cũng như yếu tố dịch tễ liên quan Covid-19 và đánh giá khả năng trẻ bị hội chứng này ở những trẻ nhập viện nghi viêm cơ tim hiện nay. Điều trị sớm, hiệu quả tốt.