Bố mẹ ngâm vùng bỏng của bé vào chậu nước lạnh trong 15 phút, sau đó đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu.
Bác sĩ Đặng Tất Thắng, khoa Bỏng, cho biết bé bị bỏng độ 2. Vùng bỏng ở mông và bộ phận sinh dục dễ nhiễm trùng khi đại tiểu tiện. Bé được băng bó vết thương, điều trị bằng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.
Ngày 22/7, bé đã điều trị 10 ngày, vết thương ổn định, chuẩn bị ra viện. Bé vẫn phải uống thuốc điều trị và tái khám định kỳ.
Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Trưởng khoa Bỏng, cho biết số bệnh nhi bỏng nhập viện tăng cao trong thời gian qua do nghỉ hè. Có nhiều nguyên nhân gây bỏng, ví dụ trẻ với tay vào ấm nước sôi, vô tình bị đổ nước vào người khi đang di chuyển.
Trẻ bị bỏng thường gặp tổn thương sâu, diễn biến nhanh, điều trị khó khăn. Vì vậy, bác sĩ Giang khuyến cáo gia đình chú trọng các biện pháp phòng, tránh tai nạn gây bỏng cho trẻ. Người lớn giám sát trẻ chặt chẽ, đặt các vật có thể gây bỏng như phích nước, ấm điện, nồi canh... xa tầm với của trẻ.
Khi trẻ bị bỏng, bố mẹ cần tách trẻ khỏi tác nhân gây bỏng, sau đó loại bỏ quần áo ở vùng vết thương, ngâm vết thương vào nước mát 15-20 phút và nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất. Không nên làm theo các mẹo chữa bỏng dân gian như bôi nước mắm hay kem đánh răng vào vết bỏng, khiến tổn thương nặng hơn.
Chi Lê