Ngày 9/11, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn ngày thứ 5, hoại tử, không còn khả năng cứu chữa. Các bác sĩ cắt bỏ tinh hoàn trái, hậu phẫu bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe và tiếp tục điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo tình trạng sưng đau vùng bìu cấp ở trẻ em khá thường gặp và do nhiều nguyên nhân khác nhau như xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt... Trong đó, nguy hiểm nhất là xoắn tinh hoàn, chiếm khoảng 17% trường hợp đau bìu cấp tính ở trẻ em. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên hậu quả nặng nề, ảnh hưởng tâm lý khiến nam giới tự ti, mặc cảm.
Dấu hiệu thường gặp như đau dữ dội, đột ngột ở một bên hoặc hai bên bìu, một số trẻ có kèm theo đau bụng dưới, buồn nôn và nôn (trẻ sơ sinh chỉ có quấy khóc, bỏ bú, phù nề và đỏ da bìu); trẻ đau, sưng vùng nếp bẹn bên không có tinh hoàn kèm đau vùng bụng dưới (ở bệnh nhi tinh hoàn ẩn). Phát hiện ở giai đoạn muộn thì bìu sưng tím và rất đau.
Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn là trong 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Đến viện trong khoảng 6-12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn còn 50%, trong khoảng 12-24 giờ chỉ còn 20%; sau 24 giờ thường sẽ không cứu được.
Phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp phổ biến và tối ưu, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn. Trường hợp phải cắt mất một bên tinh hoàn, người bệnh vẫn có thể sinh con song giảm khả năng sinh sản do tinh trùng ít, chất lượng kém. Ngoài ra, việc thiếu hụt horrmone do một bên tinh hoàn hoạt động không tốt còn khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tới đời sống tình dục, dễ tự ti, mặc cảm.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ có triệu chứng đau vùng bìu cần đến bệnh viện chuyên khoa khám để kịp thời điều trị. Trẻ cần được giáo dục kiến thức về giới tính từ nhỏ, biết cách nhận biết bất thường trên cơ thể. Tuyệt đối không tự chịu đựng hay điều trị bằng các phương pháp truyền miệng như bôi vôi giống em bé trên.
Minh An