Vào viện ngày 18/3, cậu bé khiến các bác sĩ khoa Bệnh Máu Trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) ngỡ ngàng vì bị suy dinh dưỡng quá nặng, kèm theo thiếu máu. Theo các bác sĩ với điều kiện kinh tế như hiện nay thì những trường hợp suy dinh dưỡng nặng như trên rất hiếm.
Theo lời chị Ma Thị Nhích, người dân tộc Tày, mẹ bé thì cháu đẻ thường, được 2,7kg. 6 tháng đầu bú sữa mẹ chị thấy con phát triển bình thường, nặng 8kg. Tuy nhiên, sau đó chị thấy con không lên cân, người cứ yếu dần, da xanh xao. Đưa con đến bệnh viện tỉnh khám nhưng chị cũng không nhớ là bác sĩ bảo con mình bị bệnh gì, chỉ biết cháu được truyền máu. Lần cuối cùng được truyền là cách đây 6-7 tháng. Gần đây thấy tình trạng con ngày một nặng hơn, mẹ con chị mới khăn gói lên Hà Nội.
"Không có tiền mua sữa thịt, bữa ăn hằng ngày của con chỉ có cháo trắng. Mỗi bữa bé cũng chỉ ăn được 2-3 ba thìa, cơ thể ngày càng suy kiệt. Bản thân tôi dù đang mang bầu cháu thứ 2 nhưng ngày cũng chỉ ăn 2 bữa cơm với rau", chị Nhích cho biết.
Gần 3 tuổi rồi nhưng cháu không đi, không nói được. "Lúc nào khỏe thì còn ngồi được, không thì chỉ nằm bẹp trên giường", người mẹ kể thêm.
Bác sĩ Hà Thị Sen, khoa Bệnh Máu Trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, thiếu máu ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, hạ đường huyết, rối loạn điện giải... Trường hợp này, bé bị suy dinh dưỡng thể teo đét hay thể Marasmus.
"Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng kéo dài, nên khả năng hồi phục tốt không phải là dễ. Thời gian điều trị cũng sẽ rất lâu. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục làm các xét nghiệm để chẩn đoán tổng thể. Có thể trẻ còn mắc một bệnh lý nào đó nữa thì tình trạng suy dinh dưỡng mới nặng đến mức như vậy", bác sĩ Sen nói.
Cũng theo bác sĩ, hiện trẻ được truyền máu, dịch. Đồng thời khoa Dinh dưỡng của Viện sẽ tính toán để có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé.
Ở thể suy dưỡng Marasmus, trẻ bị đói thật sự, từ glucid, lipid đến protid, thiếu toàn bộ năng lượng. Trẻ phải huy động toàn bộ chất dự trữ do đó mất hết lớp mỡ dưới da. Thể này hay gặp ở các bé đẻ ra không có sữa mẹ, phải ăn nước cháo loãng thay sữa, trẻ bú mẹ nhưng lúc ăn bổ sung không đủ chất nhất là thiếu lipid, trẻ bị bệnh và kiêng ăn trong thời gian mắc bệnh, trẻ sốt kéo dài.
Biểu hiện lâm sàng trẻ gầy đét, da bọc xương, teo cơ rõ rệt, mất toàn bộ lớp mỡ dưới da ở bụng, mông, chi và má, trẻ có thể thèm ăn hoặc kém ăn, phân sống lỏng, tinh thần mệt mỏi, ít phản ứng với ngoại cảnh.
Nam Phương