Nguyên là con trai thứ hai của anh Nguyễn Mạnh Cầm (26 tuổi) và chị Lê Thị Thùy Trang (27 tuổi), ở thành phố Hà Tĩnh. Bé chào đời ngày 3/5/2019, bị trướng bụng nhiều, vàng da kéo dài suốt 7 ngày.
Bệnh viện tỉnh cấp giấy chuyển tuyến, bố mẹ đưa Nguyên ra Hà Nội tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán bé viêm đường ruột hoại tử, đường ruột rất yếu, điều trị hơn một tháng mới ổn định. Tháng 6/2019, Nguyên được bố mẹ đưa về Hà Tĩnh.
Chỉ vài ngày sau bé Nguyên bị sốt liên tục không dứt. "Con cứ sốt mãi, chúng tôi lại đưa ra Hà Nội khám. Bác sĩ cho đi chọc tủy, xét nghiệm để tìm bệnh", anh Cầm nói. Kết quả, Nguyên bị ung thư máu khiến bố mẹ sững sờ. Bác sĩ an ủi, cho biết bé còn rất nhỏ nên khả năng phục hồi tới 80% sau điều trị, tạo niềm tin cho đôi vợ chồng trẻ đồng hành chữa bệnh cùng con.
Lần đó, Nguyên ở Hà Nội điều trị tới 3-4 tháng. Anh chị gửi con gái lớn cho ông bà nội chăm sóc, vay mượn, xoay xở 600 triệu đồng phí điều trị. Anh Cầm nhận làm thêm rất nhiều công việc, kể cả phụ hồ. Họ tập làm bạn với bệnh viện, ăn cơm đường cháo chợ, qua loa cho xong bữa, dành tiền chữa bệnh cho con. Chi phí điều trị ngày một tăng, vượt quá khả năng, bố mẹ quyết định đưa Nguyên về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, giảm bớt gánh nặng tài chính.
Tại đây, Nguyên truyền hóa chất 3 lần trong vòng 28 ngày. Khỏe, bé được bố mẹ cho về nhà vài ngày, sau đó lại đến bệnh viện để tiếp tục truyền thuốc khi đủ sức đề kháng. Vì có bệnh viêm hoại tử đường ruột nên Nguyên không thể ăn dặm, chỉ bú sữa mẹ.
Nhìn con trai chịu đựng những lần truyền hóa chất, chỗ nào có ven là chỗ đó thâm tím, bị cắm mũi kim truyền dịch cả ở trên đầu, mệt mỏi nằm bệt ở trên giường, chị Trang cảm thấy đau đớn, sợ hãi đến nỗi thức trắng cả đêm không dám ngủ. Nhưng động lực cứu bé, cho bé cuộc sống bình thường, giúp chị vượt qua nỗi sợ.
Khi Nguyên được 7 tháng tuổi, bác sĩ chọc tủy để đánh giá tình hình điều trị lần thứ nhất. Tuy nhiên bác sĩ tiếp tục phát hiện cậu bé mắc ung thư tủy. Khả năng phục hồi chỉ còn 50%. Anh Cầm tuyệt vọng: "Thương con nhiều, mà chẳng biết phải làm sao".
Bác sĩ vạch ra phác đồ mới, tiếp tục cho Nguyên điều trị ung thư máu, nuôi tủy sống. Nếu bé phục hồi 80-90% sau điều trị ung thư máu, bé sẽ được ghép tủy.
Đau đớn và mệt mỏi, bé Nguyên vẫn luôn cười tươi tắn. Khi phải ở lại bệnh viện để cách ly vì dịch Covid-19, Nguyên vẫn rất ngoan, được các y bác sĩ hết lòng chăm sóc, thậm chí tạo một khu vui chơi đặc biệt bằng cách đưa bé đi chơi dọc hành lang bằng xe đẩy. "Ý chí của con luôn mạnh mẽ, tươi cười suốt ngày", người bố nói. Nụ cười của con cũng đã bao lần tiếp sức, giúp bố mẹ vượt qua mỏi mệt.
Hai vợ chồng bám vào tia hi vọng mong manh để tiếp tục đồng hành với con trai, đến nay đã được 7 tháng. "Gia đình xác định sẽ đồng hành với con trong một thời gian dài. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười con mỗi ngày, chúng tôi vẫn cố gắng. Khi nào bác sĩ bảo con không qua khỏi nữa, chúng tôi sẽ buông bỏ", anh Cầm nói.
Chi Lê
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng đang triển khai thực hiện chương trình Mặt trời Hy vọng (tiền thân là chương trình Ông Mặt trời). Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Mời xem thông tin về chương trình tại đây.