Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 5 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gửi lời từ Tổng thống Vladimir Putin mời Chủ tịch Kim Jong-un thăm Nga. Tháng trước, Điện Kremlin nói rằng công tác chuẩn bị cho chuyến thăm đang được tiến hành. Tình báo Hàn Quốc cho biết phụ tá thân cận của Kim Jong-un đã đến Moskva vào tháng ba, dấu hiệu cho thấy thủ đô Nga có thể là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều đầu tiên.
Giới chuyên gia nhận định ông Kim đang dang tay với Nga sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng hai ở Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên, khiến họ muốn tìm kiếm hỗ trợ từ nước láng giềng.
Theo Kim Jae-chun, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sogang ở Seoul, Triều Tiên đang gặp "nhiều rắc rối về kinh tế hơn mọi người nghĩ". Bình Nhưỡng đã đóng cửa một số nhà máy kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, khiến hàng trăm lao động mất việc.
Bình Nhưỡng một lần nữa hoãn kế hoạch khai trương khu nghỉ mát ở bờ biển phía đông của đất nước. Giới phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thiết bị, vật liệu cần thiết để hoàn thành dự án.
Với tình thế này, lời đề nghị gặp thượng đỉnh của Putin, điều ông Kim có thể từng trì hoãn để không làm phật lòng Mỹ khi nỗ lực ngoại giao diễn ra, giờ trở nên hấp dẫn hơn.
Liên Xô từng là đối tác quan trọng của Triều Tiên sau Thế chiến II. Moskva đã viện trợ cho Bình Nhưỡng vũ khí và khí tài trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và cũng hỗ trợ kinh tế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Quan hệ giữa hai nước nguội lạnh vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã, nhưng sau đó khởi sắc trở lại trong những năm 2000 khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, vài lần thăm Nga.
Tháng trước, Nga chuyển 2.200 tấn lúa mì cho Triều Tiên qua Chương trình Lương thực Thế giới. Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng gọi đây là động thái để hạn chế tác động của "các lệnh trừng phạt bất lợi từ một số nước".
Đối với Putin, cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un sẽ là cơ hội để ông mở rộng tầm ảnh hưởng và nắm được các thông tin về cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều, chuyên gia Andrei Lankov tại Đại học Kookmin nhận định.
Moskva phản đối những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng và sự hợp nhất hai miền Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga ủng hộ phi hạt nhân hóa Triều Tiên. "Với Nga, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là ưu tiên quan trọng nhất", ông Lankov nói.
Hội nghị thượng đỉnh với Nga sẽ giúp Triều Tiên có được sự ủng hộ từ một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moskva có thể phủ quyết bất cứ đề xuất nào của Washingon về việc áp đặt lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Andrea Kendall Taylor, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, nhận xét rằng cả Nga và Mỹ đều muốn Triều Tiên giải trừ kho vũ khí hạt nhân nhưng họ bất đồng về cách tiếp cận. Trong khi Mỹ muốn gây sức ép bằng trừng phạt thì Nga cho rằng các biện pháp này kìm kẹp Triều Tiên, khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trở nên khó khăn hơn.
Putin muốn Triều Tiên mở cửa thương mại, giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và điều này phù hợp với mong muốn của Kim Jong-un. Mục tiêu của Nga là giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Bắc Á, Taylor đánh giá.
Hầu hết giao dịch quốc tế của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại khoảng 4,8 tỷ USD, theo số liệu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tuy nhiên, Triều Tiên cũng nhập 74 triệu USD hàng hóa từ Nga vào năm 2017 và xuất khẩu khoảng 4 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất từ Triều Tiên sang Nga là nhạc cụ được sử dụng bởi quân đội Nga.
Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại MIT, cho rằng hội nghị thượng đỉnh với Nga có thể giúp Triều Tiên giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Quan hệ Trung - Triều đã trải qua giai đoạn nguội lạnh khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Từ đầu năm ngoái, ông Kim Jong-un nỗ lực cải thiện quan hệ bằng nhiều chuyến thăm. Narang đánh giá rằng bằng việc tiếp cận với Nga, Triều Tiên có thể có "phương án dự phòng" nếu mối quan hệ với Trung Quốc lại xấu đi.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây nhấn mạnh quan hệ hữu nghị giữa Moskva và Bình Nhưỡng. Hai nước láng giềng "có chung mục đích là chống lại sự can thiệp và áp lực của nước ngoài", tờ Rodong Sinmun viết trong bài xã luận tháng trước.
Phương Vũ (Theo WSJ, Aljazeera)