Cháu nói nhiều và cũng biết đùa, biết trêu ghẹo như những trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, mỗi khi có ai đăt câu hỏi "tại sao" thì cháu không biết trả lời "bởi vì" mà thường nói vòng vo, không đúng chủ đề. Ngay từ khi con 3 tuổi tôi đã nhận thấy điều này, đến nay cháu gần 6 tuổi nhưng cũng không khá hơn mấy.
Gần đây tôi cho cháu đi ôn luyện vào lớp 1, học đánh vần, tập viết, làm toán và phát hiện cháu không hề có tư duy, thậm chí khi cô giáo chỉ tận nơi, yêu cầu cháu làm lại y hệt mà cháu vẫn không làm được. Cháu khá thụ động, chậm chạp và nhút nhát. Chỉ cần cô hơi thay đổi giọng nói là cháu trở nên hoảng sợ, lúng túng, làm bài sai luôn.
Cháu cũng rất hay quên. Cô giáo vừa giảng xong, yêu cầu làm lại, cháu đã không nhớ. Cháu làm toán rất kém. Ví dụ: xếp các số theo thứ tự từ 1 đến 10 thì mất vài ngày mới huấn luyện được cho cháu hiểu thế nào là thứ tự trên. Đến khi cháu có thể xếp được rồi, yêu cầu cháu xếp ngược lại thì không làm được.
Tôi rất lo sau này học lớp 1 ở trường liệu có thầy cô nào kiên nhẫn dạy cháu không, hay là sẽ nổi nóng vì khả năng tiếp thu của cháu. Cả nhà có biết trung tâm nào dạy toán mà chủ yếu dạy trẻ cách tư duy không ạ? Liệu có phải cháu bị thiểu năng trí tuệ? Có trung tâm nào dạy cách tư duy không? (Bích Đào)
![luoihoc-1373363449_500x0.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/07/09/luoihoc-1373363449.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sQR_QdQYK6GMyo0Tn1U5mg)
Trả lời
Với những biểu hiện mà anh chị nêu, cháu cần đến những cơ sở đánh giá tâm lý có chất lượng để tiến hành kiểm tra xem có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến rối nhiễu cảm xúc hay không. Đôi khi những vấn đề hành vi lại bắt nguồn từ những rối nhiễu cảm xúc gây ra bởi những sang chấn tâm lý mà cháu đã trải qua trong đời hoặc do gặp phải môi trường nuôi dạy không thuận lợi.
Cháu cũng cần đánh giá bằng các bộ công cụ tin cậy để loại trừ rối loạn tăng động giảm chú ý vì các biểu hiện ban đầu của cháu gợi ý cho việc chẩn đoán rối loạn này. Nếu cháu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán tăng động giảm chú ý thì việc kết hợp điều trị thuốc và luyện tập hành vi là cần thiết và cha mẹ nên hành động ngay.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề tư duy, cha mẹ nên cho cháu đi đánh giá về năng lực trí tuệ bằng các bộ công cụ có hiệu lực và độ tin cậy lớn như trắc nghiệm Wechsler Intelligence Scale for Children - Fourth Edition (WISC-IV) - Bộ trắc nghiệm đánh giá trí tuệ trẻ em Wechsler phiên bản lần thứ 4 (được Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu) đo năng lực nhận thức cho trẻ 6-16 tuổi trên các lĩnh vực tư duy ngôn ngữ, tư duy tri giác; trí nhớ công việc và tốc độ xử lý.
Hiện tại, để chuẩn bị cho cháu vào học lớp 1, trước khi tập trung vào vấn đề tư duy, cần tạo thói quen học tập cho cháu. Cha mẹ nên khuyến khích cháu làm việc một cách độc lập và thưởng cho các cố gắng của cháu khi làm các nhiệm vụ cha mẹ giao. Quan trọng là phải thiết lập được một lịch cố định (chỗ học cố định, các nhiệm vụ học tập và luôn đầy đủ các dụng cụ học tập).
Phần thưởng cho việc học gồm thưởng cho việc bắt đầu ngồi vào học đúng giờ (do cháu tự ngồi hoặc do cha mẹ nhắc nhở), phần thưởng khác cho mỗi 10-15 phút cháu ngồi học tập trung và không chạy ra khỏi chỗ (thời gian ngồi học sẽ tăng lên khi cháu đã quen và khả năng chú ý của cháu được rèn luyện tốt hơn), phần thưởng cho việc hoàn thành tất cả các bài tập được yêu cầu.
Cha mẹ tùy theo tình hình hãy cố gắng để thưởng cho những hành vi làm việc độc lập hơn là việc phải ngồi bên cạnh giám sát cháu. Phần thưởng phải được đưa ngay khi cháu thực hiện một hành động mong đợi. Cha mẹ đưa phần thưởng phải đi kèm với những lời khen ngợi, động viên và chú ý đến trẻ. Với sức tập trung của cháu, việc nghỉ giải lao khoảng 5-10 phút giữa thời gian học là một điều rất quan trọng. Các hoạt động thể chất trong khi nghỉ giải lao cũng cần thiết.
Về khả năng tư duy, cha mẹ bắt đầu từ những gì cháu đang có. Cha mẹ tạm chấp nhận trẻ để trẻ cảm thấy việc học không phải là một hình phạt đối với chúng. Trong trường hợp cha mẹ đưa ra câu hỏi nhưng con chưa biết câu trả lời thì cha mẹ sau vài giây sẽ đưa luôn đáp án đúng và yêu cầu con nhắc lại. Một lúc khác, cha mẹ có thể sẽ nhắc lại câu hỏi và nếu cháu trả lời đúng, hãy khen và thưởng con. Cách làm này sẽ làm cho trẻ không cảm thấy sợ hãi, tự ti về năng lực của mình và ghét học.
Thạc sĩ Trần Thành Nam
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC