Ảnh minh họa: Corbis.com. |
"Em chỉ ước mình không phải đến trường, không phải đi học", là tâm sự của Hùng, cậu học sinh lớp 9 một trường công lập ở Hà Nội. Trước đây, Hùng học cũng thuộc loại khá trong lớp. Nhưng chỉ vì một lần bị thầy cô mắng, cậu đâm ra chán học.
Lần đấy, vào giờ ra chơi, mấy bạn nam vô tình làm đổ bình nước ra lớp, khiến nước đổ tràn ra cả sàn. Dù đã lấy giẻ lau, nhưng sàn nhà vẫn ướt nhẹp. Đến giờ Sinh, cô giáo thấy lớp ướt liền yêu cầu bạn trực nhật hôm đó đi tìm giẻ, lau cho khô sàn rồi mới dạy.
"Hôm đó đúng phiên em trực, chạy khắp cả sân trường mà không tìm thấy cái giẻ khô nào. Thế là hôm đó, cô tuyên bố không dạy nữa, gọi giáo viên chủ nhiệm, trừ điểm thi đua của lớp và điểm hạnh kiểm em. Đến mấy tháng sau, thi thoảng cô chủ nhiệm vẫn nhắc lại chuyện đó. Em thấy chán'', Hùng tâm sự.
Theo nhà tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội), chuyện dường như không có gì, giáo viên nghiêm khắc có thể mắng một hai câu. Nhưng với một số trẻ đang ở tuổi trưởng thành, điều đó có thể trở thành một cú sốc tâm lý thực sự. Như trường hợp của Hùng, cậu cảm thấy cách cư xử của cô giáo như thế là quá đáng.
Những trường hợp như con của chị Hương không phải là hiếm gặp. Có những trẻ hoàn toàn không hề dốt, nhận thức tốt nhưng tự dưng có thể chán học chỉ vì cô giáo nói một câu nào đó vô tình chạm đến lòng tự ái. Rất nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến khám vì học hành sa sút, hay cãi đều có tâm trạng chán học, không muốn đến trường, thậm chí là sợ, nhà tâm lý cho biết.
Cũng theo chị Nga có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ không còn hứng thú đi học như: áp lực học tập quá nhiều, sức ép từ gia đình, học ganh đua cùng các bạn... Trong đó, có những nguyên nhân với người lớn tưởng vô cùng lãng xẹt nhưng với trẻ lại có thể khiến các em chán không muốn đi học.
Chị Nga cho biết, từng có một phụ huynh gọi điện đến vì không biết phải làm sao với cô con gái mới học lớp 8 đã kêu không muốn đến trường. Theo lời kể của phụ huynh này, lúc đầu chị tưởng con ở trường bị bạn trêu chọc hay thầy cô nào ghét, bị điểm kém... Nhưng gặng hỏi mãi thì con mới nói là vì không được mặc theo sở thích mà phải mặc đồng phục của trường, "ai cũng như ai".
Trước kia, đã có lần vì chị chót đưa con đi cắt tóc ngắn quá mà cô bé ở nhà 3 ngày liền, không chịu đi học. Lúc ấy, chị đã phải tìm cách nói dối nhà trường là cháu bị thủy đậu.
Ngoài ra, cũng theo chị Nga có những em chán học vì không làm được bài, bị bạn bè từ chối chơi, thấp hơn so với các bạn khác, thậm chí, cảm thấy mặc cảm vì vẻ ngoài của mình như trường hợp của cô bé Hương, ở Hà Nội.
Học lớp 8, nhưng trông cô bé to gần gấp rưỡi các bạn trong lớp. Vì thế, lúc nào, Hương cũng thấy mặc cảm với các bạn trong lớp, nhất là vào giờ thể dục. Chạy thể dục thì hầu như lần nào cô bé cũng về đến cuối cùng, nên điểm chỉ lẹt đẹt mức qua khỏi.
"Nhưng tệ hại nhất vẫn là giờ nhảy cao, trong khi các bạn nhảy vèo cái là qua. Em thì, sào thấp tẹt cũng chỉ gọi là bước qua, chứ không nhảy, sào cao thì cứ đạp sào rơi xuống. Mấy bạn con trai ngồi ngoài cứ trêu: 'Nhờ có Hương mà lớp mình hôm nào cũng có sào mới'", Hương kể lại.
Từ đó, cứ đến giờ thể dục, cô bé lại cáo ốm, ngồi ngoài nhìn các bạn cho đỡ xấu hổ. Nhưng rồi cô bé càng sống khép kín, ít chơi với các bạn trong lớp, mà cũng hầu như không có bạn. Dần dần, cô cảm thấy chán nản, sợ, ghét đi học.
Tiến Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna cũng cho biết, ngày nay không chỉ học sinh cấp 2, 3 chán học, mà trẻ mới đi học, thậm chí là mầm non cũng chán học. Có trẻ đến đây tỏ ra rất buồn, thất vọng vì bị cô giáo ghét. Cô cho em ấy ngồi cuối lớp, cạnh thùng rác khiến trẻ có cảm giác mình bị coi như người ngoài, bị mặc xác muốn học thế nào thì học. Từ đó dẫn đến tâm trạng bi quan, buồn chán,
Lỗi ở đây ở cả hai phía, giáo viên và học sinh. Lớp trẻ ngày nay được tiếp xúc với tivi, máy tính từ rất sớm, không cái gì là không biết. Nên nếu các thầy cô giáo mong các em nhu mì như học trò ngày xưa là điều không thể, tiến sĩ Bưởi nói.
"Nhưng bản thân các em cũng phải nhìn lại mình. Nếu lý do ghét học vì kết quả học tập sút kém, bị các thầy cô giáo không thích vì không học giỏi thì phải tự hỏi bản thân xem mình đã thực sự cố gắng hết sức chưa. Nếu là vì không thích cách đối xử của giáo viên thì liệu có phải tại mình cư xử một cách quá đáng, phản ứng quá gay gắt, cộc lốc", tiến sĩ Bưởi cho biết.
Theo tiến sĩ Bưởi, để trẻ học tốt, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải khơi dậy ở trẻ hứng thú khi đến trường, không phải đi học vì bị ép buộc. Trẻ con bây giờ không như ngày xưa nên cha mẹ, thầy cô không thể áp những chuẩn mực cũ để đánh giá trẻ. Mà ngược lại, cần có cái nhìn cảm thông, chia sẻ, không chỉ dạy học mà còn phải quan tâm đến vấn đề tâm lý của trẻ.
Nam Phương
* Tên nhân vật đã thay đổi.