Cháu hiếu động, thích chơi đùa cùng bạn bè, luôn thân thiện với mọi người (không nhút nhát), hay cười đùa, đòi bố mẹ chơi cùng... Nhưng cháu lại không chịu nói theo khi mẹ chỉ, thậm chí mẹ bảo con nói theo thì cháu chủ động chuyển chủ đề như kêu mẹ chơi cùng hay rủ mẹ đi chơi. Con tôi có phải bị tự kỷ không? (Nga)
Trả lời
Chào bạn!
Tự kỷ là những rối loạn phát triển của não với các đặc trưng là suy giảm khả năng hòa nhập xã hội, suy giảm khả năng giao tiếp, có những hành vi lặp lại và những quan tâm mang tính hạn hẹp.
- Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng hòa nhập xã hội là: Không cười với người khác, ít khi nhìn thẳng vào mắt người khác, thích chơi một mình, sống trong một thế giới riêng, không để ý đến bố mẹ, không thích chơi với trẻ khác, sống rất độc lập, tự lấy các đồ vật hoặc biết làm những việc sớm trước tuổi.
- Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng giao tiếp là: Không có phản ứng khi được gọi tên, chậm biết nói (không nói bi bô khi lên 12 tháng, không tự nói được câu tiếng đôi (không tính câu bắt chước) khi được 24 tháng), không diễn tả được mình muốn gì, cử chỉ thường không hòa hợp với tiếng nói.
- Các hành vi lặp lại và bất thường bao gồm:
+ Các hành vi rập khuôn với các vận động không có mục đích như vỗ tay, quay đầu hay đung đưa cơ thể.
+ Các hành vi cưỡng bức thường theo một quy tắc nào đó, ví dụ trẻ sắp xếp đồ chơi của chúng theo một đường thẳng.
+ Các hành vi đơn điệu, thiếu sự đa dạng và chống lại sự thay đổi, ví dụ như trẻ không muốn đồ chơi của chúng bị dịch chuyển hay cưỡng lại sự can thiệp của người khác đối với việc chúng đang làm.
+ Các hành vi có tính nghi thức bao gồm các hoạt động giống hệt nhau thực hiện hàng ngày ở cùng một thời điểm như chỉ ăn cùng một thực đơn hay mặc một kiểu quần áo vẫn dùng hàng ngày.
+ Các hành vi tự gây tổn thương như tự đánh mình (một nghiên cứu tiến hành năm 2007 cho biết có tới 30% trẻ bị bệnh tự kỷ có hành vi này).
Ngoài các triệu chứng chính nêu trên còn có thể có những triệu chứng khác của trẻ tự kỷ như khó ngủ, thường thức dậy vào ban đêm và dậy sớm; những hành vi ăn uống khác thường cũng thấy ở 3/4 số trẻ bị tự kỷ...
Theo như bạn chia sẻ, bé nhà mình có thể chỉ bị chậm nói đơn thuần. Vì vậy, bạn hãy dạy bé phát triển ngôn ngữ tại nhà như:
- Đọc sách cho bé nghe, tập cho bé chỉ bằng ngón trỏ, nói tên những vật dụng quen thuộc.
- Dùng từ ngữ đơn giản khi nói chuyện với bé, đặt câu hỏi và nói lên điều trẻ đang làm.
- Động viên, khen ngợi khi trẻ cố gắng nói.
- Lặp lại và bổ sung từ vào lời của trẻ. Kiên nhẫn chờ đợi trẻ nói và không nóng vội.
- Không ép buộc trẻ nói bằng cách không cho trẻ món đồ trẻ yêu cầu, chẳng hạn như nói: “Con muốn ăn bánh không?” hoặc “À, con muốn ăn bánh” rồi trao bánh cho trẻ. Bắt buộc trẻ nói có thể làm cho trẻ căng thẳng và ấm ức.
- Hạn chế cho trẻ xem TV, xem máy tính vì truyền hình không thể đối thoại với trẻ.
Sau một thời gian bạn dạy, con của bạn không thay đổi thì lúc đó bạn có thể đưa con đến khám ở bệnh viện có khoa hỗ trợ về mặt tâm lý hoặc đưa con đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý để được thăm khám một cách toàn diện. Khi đó con bạn sẽ được đánh giá về mức độ phát triển và đưa ra phương pháp hỗ trợ để con phát triển tốt nhất.
Chúc bạn và con sớm thành công.
Thạc sĩ tâm lý Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC