Bác sĩ bệnh viện địa phương xử trí ban đầu, đặt nội khí quản giúp thở rồi chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), chiều 6/5. Tiếp nhận bé từ xe cấp cứu, ê kíp khoảng 10 bác sĩ, điều dưỡng tập trung ép tim, chuẩn bị y cụ, thuốc trợ tim mạch...
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết sau hai ngày chống phù não, phủ kháng sinh trị viêm phổi hít, thở máy hỗ trợ, bé tạm thoát cơn nguy kịch. Bác sĩ lo ngại bệnh nhi có nguy cơ tổn thương não, chưa tiên lượng được chính xác khả năng hồi phục.

Các y bác sĩ điều trị tích cực cho bé. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khuyến cáo không may trẻ ngạt nước ngưng tim ngưng thở, người nhà sơ cứu bằng cách ấn tim vùng nửa dưới xương ức xen kẽ thổi ngạt theo tỷ lệ 30 lần ấn tim và hai lần thổi ngạt. Nếu thêm một người hỗ trợ thì ấn tim 15 lần, thổi ngạt hai lần. Các biện pháp dân gian như xốc nước, lăn lu, ấn bụng... đều không có tác dụng mà còn trì hoãn quá trình cấp cứu ngưng thở ngưng tim, bé có thể tử vong hoặc cứu sống được thì để lại di chứng não nặng nề.
Bác sĩ lưu ý trẻ ba tuổi cần luôn có người trông giữ, vì ở lứa tuổi này trẻ chưa ý thức kiểm soát hành động mà lại thích tìm hiểu thế giới xung quanh. Trẻ từ 4 tuổi trở lên, bố mẹ nên cho đi học bơi. Trẻ ở độ tuổi này đã đủ khả năng nhận thức để tham gia các lớp học kỹ năng bơi sinh tồn, đảm bảo an toàn khi xuống nước.
Để phòng tránh đuối nước, phụ huynh nên rào kín lại ao, non bộ, bể bơi; không cho trẻ vào nhà tắm một mình. Trẻ tiếp xúc nước nếu chưa biết bơi cần mặc áo phao đảm bảo an toàn. Người nhà không dùng thân chuối, lốp xe, can nước... làm "phao" cho trẻ.
Hướng dẫn cách ép tim thổi ngạt cứu người ngưng thở
Video: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Lê Phương