Người nhà cho biết từng đưa em đi khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện bệnh hoặc chẩn đoán rối loạn phát triển xương tuổi dậy thì, cơn đau sẽ hết khi trưởng thành. Tuy nhiên, sức khỏe của bé sa sút hơn, cơn đau nặng hơn, hình thể gầy gò. Cuối tháng 3, em được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng, Trưởng đơn vị phẫu thuật bệnh lý u, Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, cho biết em có khối nang xương phình mạch lớn ở vùng xương chậu bên phải. Khối u đã lớn, đường kính trên 20 cm. Phim chụp CT cho thấy trong u có rất nhiều mạch máu lớn nhỏ và lòng khối u là bể máu chực vỡ.
Bác sĩ Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, cho biết nang xương phình mạch là khối u lành tính nhưng u phát triển quá mức, có thành phần chủ yếu là máu trong lòng xương. Khối u gây phá hủy mạnh tổ chức xương, làm vỡ, gãy xương và xâm lấn ra phần mềm xung quanh. Khi tổ chức xương chưa bị phá hủy hoàn toàn, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật nạo lớp nội mạc u, hỗ trợ xử lý u bằng cồn, có thể tiêm hóa chất sau đó trám lại khoảng trống mất xương bằng cách ghép xương nhân tạo.
Với bé gái 12 tuổi, em được phát hiện muộn, cấu trúc xương đã bị phá hủy hoàn toàn, phải cắt nửa cánh xương chậu để ngăn u chảy máu cấp tính. Tuy nhiên, việc này sẽ gây ảnh hưởng nặng đến thẩm mỹ, khả năng vận động, đi lại của bé, tác động xấu tới khả năng làm mẹ của em trong tương lai. Thách thức đặt ra với các y bác sĩ là lấy bỏ "quả bom nổ chậm" và bảo tồn hình thể xương chậu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Sáng cho biết khối u được nuôi dưỡng và cấp máu bởi 3 nguồn mạch máu lớn cùng vô vàn mạch máu nhỏ từ động mạch chậu. Do đó, chuyên gia thực hiện nút những mạch nuôi khối u trước, sau đó phẫu thuật cắt u. Việc tiến hành nút mạch thành công sẽ đảm bảo ngăn khối u tiếp tục phát triển, đề phòng nguy cơ chảy máu không thể cầm được trong khi phẫu thuật.
"Tuy nhiên, đây là công việc vô cùng khó khăn vì chỉ cần nút sai một mạch máu thì có thể dẫn tới hoại tử các khối cơ xung quanh xương chậu trong khi u tiếp tục chảy máu", bác sĩ Sáng cho biết.
Nhóm bác sĩ cùng các chuyên gia can thiệp điện quang của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp nút mạch, sử dụng robot hỗ trợ. Khi sức khỏe người bệnh ổn định, khối u không còn chực vỡ, bác sĩ tiếp tục phẫu thuật cắt u, trám phần thiếu bằng xương nhân tạo.
Ca phẫu thuật kéo dài trong 2 giờ, được bác sĩ Sáng mô tả là một cuộc chạy đua với thời gian. Khối u đã xâm lấn phá hủy gần hoàn toàn cánh chậu, hình dạng xương chậu chỉ còn duy trì bởi một lớp vỏ xương mỏng. Bên trong lòng xương chậu là hơn 500 ml u lẫn máu không đông. Dù có nút mạch từ trước, máu vẫn chảy ra từ u. Các phẫu thuật viên phải vừa lấy bỏ hoàn toàn u, vừa cầm máu.
"Rất may, do cháu còn đang tuổi phát triển nên màng xương rất dày, đủ sức để chúng tôi tạo hình lại hình dáng xương chậu cho cháu mà không cần lấy bỏ hay làm các thủ thuật khác phức tạp. Ca phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u và bảo tồn gần như hoàn toàn hình thể, chức năng của xương chậu", bác sĩ Sáng cho biết.
Ngày 2/4, bé đã ngồi dậy, sinh hoạt, tập luyện tại giường, tiên lượng hồi phục tốt.
Bác sĩ Sáng khuyến cáo cha mẹ nên chú ý quan tâm hơn đến các cơn đau nhức xương của trẻ em, đặc biệt khi trẻ đang trong tuổi dậy thì. Nếu có triệu chứng đau âm ỉ trong xương, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm chấn thương chỉnh hình uy tín để khám. Việc chẩn đoán đúng và can thiệp sớm, phối hợp tốt giữa các chuyên khoa rất quan trọng trong đảm bảo chữa trị, bảo tồn chi thể, ổn định sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, tránh được những hệ quả đáng tiếc lâu dài.
Chi Lê