Bác sĩ Đinh Thanh Tùng, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, ngày 12/3 cho biết vùng xương hàm dưới trái bệnh nhân bị biến dạng do khối u kích thước khoảng 10x6 cm, căng phồng, sờ chỗ cứng chỗ mềm, dính liền với xương hàm dưới trái.
Kết quả chụp X-quang và CT chẩn đoán u men xương hàm dưới trái. Các bác sĩ quyết định vi phẫu cắt đoạn xương hàm dưới trái và ghép xương mác cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Tùng, phương pháp vi phẫu không đơn giản. Hai kíp mổ hoạt động cùng một lúc phối hợp cắt đoạn xương hàm dưới trái, lấy khối u, loại bỏ tổn thương và chuẩn bị nơi nhận mảnh xương ghép, một kíp lấy xương mác ở chân kèm mạch máu để nuôi xương.
Các bác sĩ cắt đoạn xương hàm loại trừ triệt để tổn thương, tránh tái phát, sau đó lấy một đoạn xương mác ở cẳng chân kèm theo mạch máu, tạo hình dáng của xương hàm đã bị cắt bỏ và ghép mảnh xương mác vào vị trí cắt bỏ khối u. Toàn bộ quá trình thực hiện dưới kính hiển vi phẫu thuật.
Sau 8 giờ phẫu thuật, bệnh nhân dần tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, vết mổ khô, mạch máu lưu thông tốt. Khoảng 10 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất viện.
Bác sĩ cho biết, u men xương không phải bệnh hiếm gặp, nhưng hầu như người dân không biết. Bệnh rất khó được phát hiện bởi khối u không gây đau nhức, vẫn ăn uống được bình thường nên khó nhận biết. Bệnh tiến triển âm thầm, chỉ đến khi bị sưng, lệch mặt, răng lung lay... đi khám mới phát hiện.
Hiện, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Phát hiện sớm thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt, bảo toàn được răng. Trường hợp phát hiện muộn để lại nhiều di chứng như lép mặt, răng rụng hàng loạt cản trở các chức năng nhai, nuốt, nói... thậm chí phát triển thành u ác tính, di căn vào máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó phòng ngừa. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như răng lung lay, xương hàm lệch, viêm xoang, viêm mũi, trẻ chậm mọc răng, hàm bị thiếu răng... cần phải kiểm tra xem răng nằm ở đâu, có u chèn vào răng hay không. Khám răng định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần.
Thùy An