Bác sĩ Dương Minh Toàn, Khoa Tai Mũi Họng, ngày 5/1, cho biết phần lưỡi bị kẹt phù nề, hơi tím, có tình trạng thiếu máu nuôi. Bé được các bác sĩ ổn định tâm lý cho đỡ hoảng sợ, sau đó gây tê, dùng dụng cụ cắt phần nắp bình nước để lấy ra khỏi lưỡi bé.
Sau khi bé được giải thoát khỏi bình nước, bác sĩ kiểm tra thấy lưỡi trầy xướt nhẹ, không chảy máu, còn phù nề. Bé được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.
Theo bác sĩ Toàn, đây là tai nạn khá hy hữu. Nếu không xử trí kịp thời, phần lưỡi bị chèn ép, phù nề thiếu máu nuôi có thể hoại tử, tình huống xấu nhất là phải phẫu thuật cắt phần lưỡi hoại tử.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chú ý các vật dụng nhỏ trong nhà, vật dụng có lỗ... vì trẻ có thể đút các bộ phận cơ thể vào, nhất là tay chân, dễ gây mắc kẹt. Nếu trẻ bị kẹt vào vật gì đó, không nên cố gắng lấy ra vì dễ gây phù nề, làm siết chặt bộ phận bị kẹt hơn. Khi ấy, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý thích hợp.