Ngày 22/5, tạp chí y khoa Lancet đăng tải một nghiên cứu cho thấy hydroxychloroquine không có tác dụng điều trị người mắc Covid-19, thậm chí gây ra các vấn đề tim mạch và nguy cơ tử vong. Trước đó, Tạp chí Y khoa New England (NEJM) xuất bản công trình nghiên cứu với kết quả tương tự.
Hai nghiên cứu gây sự rúng động trong giới khoa học. WHO đình chỉ thử nghiệm thuốc sốt rét chữa Covid-19 vào ngày 25/5. Pháp, Đức và một số quốc gia Mỹ Latin sau đó cũng có quyết định tương tự. Hôm 3/6, WHO nối lại thử nghiệm lâm sàng sau các khuyến nghị của chuyên gia, dẫn đến sự hoang mang trong cộng đồng.
Câu chuyện về hydroxychloroquine gây tranh cãi kể từ khi dịch bệnh mới bùng phát, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sử dụng thuốc hàng ngày để phòng ngừa Covid-19.
Trên thực tế, Lancet là nạn nhân của một vụ bê bối dữ liệu, ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng của cộng đồng khoa học.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa 197 tuổi sử dụng dữ liệu từ một công ty tên Surgisphere, trụ sở Mỹ. Tuy nhiên, điều tra của Guardian, Anh, cho thấy đây là một công ty "vô danh", được thành lập năm 2008, mục đích ban đầu là phân phối sách giáo khoa cho sinh viên trường y. Hồ sơ công khai cho thấy nhiều nhân viên thậm chí chưa từng được đào tạo trong lĩnh vực y khoa. Vị trí "Biên tập viên Khoa học" được đảm nhiệm bởi một nhà văn viết truyện giả tưởng, và đây mới là công việc chính của cô. Giám đốc tiếp thị của công ty thực tế là một người mẫu kiêm dẫn chương trình.
Ông chủ Surgisphere, tiến sĩ Sapan Desai, chỉ mới tập trung vào mảng "phân tích dữ liệu" kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Vài ngày sau khi nghiên cứu được công bố trên Lancet, các chuyên gia đã chỉ ra những sai sót liên quan.
Nhóm nghiên cứu cho biết đã thu thập dữ liệu từ 96.000 người mắc Covid-19, được điều trị bằng hydroxychloroquine, tại 671 bệnh viện trên toàn thế giới. Họ ghi nhận 73 trường hợp tử vong ở Australia, tính đến ngày 21/4. Tuy nhiên, theo Đại học Johns Hopkins, chỉ 67 người nhiễm nCoV qua đời trong khoảng thời gian này. Đến ngày 23/4, con số mới tăng lên 73.
Tiến sĩ Desai sau đó giải thích đây là sự nhầm lẫn, rằng công ty đã vô tình đưa một bệnh nhân châu Á vào hệ thống của Australia.
Mostapha Benhenda, chuyên gia về dữ liệu, nhà sáng lập của Tập đoàn Melwy, tiếp tục lên tiếng cảnh báo, vạch ra ba lỗ hổng lớn khác của công trình.
Thứ nhất, nghiên cứu không tiết lộ cơ sở dữ liệu và cũng không có kế hoạch làm điều này. Bên cạnh đó, các nhà khoa học không truy xuất nguồn gốc, không công khai người chịu trách nhiệm thu thập thông tin tại bệnh viện. Cuối cùng, công trình chưa trải qua bình xét, người xác nhận duy nhất là tổng biên tập tạp chí, ông Richard Horton.
Vụ bê bối không kết thúc ở đó. Cả WHO và Lancet đến nay chưa đưa ra bất cứ lời giải thích thỏa đáng nào về lý do họ sử dụng các dữ liệu không đáng tin từ Surgisphere.
"Chẳng có cuộc điều tra nội bộ nào cả. Richard Horton thậm chí không từ chức. Ông ta chỉ đăng tải dòng tweet về vấn đề này như thể mình không liên quan", tiến sĩ Benhenda nhấn mạnh.
Theo ông, sai lầm của cả WHO và Lancet đều đến từ tác giả nghiên cứu, trong đó có Mandeep Mehra, giáo sư Đại học Harvard kiêm Giám đốc Y tế của Bệnh viện Brigham và Phụ nữ.
Tiến sĩ Jeremy Howick, chuyên gia dịch tễ, Đại học Oxford, cho biết: "Thật khó hiểu khi các biên tập viên của Lancet và NEJM không nhận ra vấn đề với dữ liệu từ báo cáo. Các tạp chí cần chịu trách nhiệm cho những rủi ro có thể xảy đến với sức khỏe người dân, bởi WHO đã thay đổi chính sách dựa trên nghiên cứu của họ".
Đến ngày 4/6, sau hàng loạt chỉ trích, Lancet đã thu hồi công trình này. NEJM có động thái tương tự.
"Chúng tôi tin rằng, hai báo cáo về hydroxychloroquine dựa trên dữ liệu sai lệch, dẫn đến việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đình chỉ nghiên cứu thuốc. Điều này có nghĩa là một phương pháp điều trị có lợi không được thử nghiệm, và bệnh nhân phải chịu hậu quả", tiến sĩ Howick nói.
Vụ việc đã giáng một đòn nặng nề vào danh tiếng của cả hai tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới.
Thục Linh (Theo Guardian, Spunik)