Bé được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tây. Bác sĩ xác định cháu viêm phổi nặng do sặc hóa chất. Một ngày sau bé vẫn sốt cao 40 độ, khó thở, thở nhanh nên được chuyển tuyến đến khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai.
Gia đình cho biết chiếc chai nhựa đựng dầu do một người thợ vừa mang đến nhà để sửa máy. Chai có vỏ giống chai nước thông thường nên bé tưởng là nước nên uống.
Bác sĩ Trương Văn Quý, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng sốt cao, thở rút lõm lồng ngực, tím tái khi ho, khó. Bệnh nhi bị viêm phổi do hóa chất rất nghiêm trọng, phải nằm phòng cấp cứu 7 ngày, điều trị kháng sinh, thở oxy mới được ra phòng thường. Đến nay, sau gần 20 ngày điều trị thì tình trạng viêm phổi mới dần ổn định, trẻ hết sốt nhưng vẫn còn ho.
Ngày 11/6 khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bé gái 3 tuổi bị sặc hóa chất để trong chai đựng nước. May mắn bé gái này uống ngụm nhỏ và nhổ ra được nên chỉ bị viêm phổi nhẹ.
Những tai nạn của trẻ em trong sinh hoạt như trên không hiếm gặp. Hai trường hợp trên đều chưa gây hậu quả nguy hiểm vì hóa chất đựng trong chai lọ chưa đến mức gây độc. Thực tế đã có trẻ tử vong vì uống nhầm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ do người lớn chứa trong những vỏ chai nhựa bắt mắt. Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương phải cắt 2/3 dạ dày cho một bé trai 7 tuổi vì uống nhầm axít (đã pha loãng để đổ bình ắc quy) được đựng trong một vỏ chai nhựa đựng nước cũ.
Người Việt Nam có thói quen tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, nước uống để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axít… Điều này rất nguy hiểm cho trẻ con. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, thấy những chai nhựa bình thường đựng nước có thể cầm uống mà không ý thức được bên trong chai chứa dung dịch gì.
Phương Trang
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.