Chiều cuối tuần, trong một góc vườn nhỏ ở xã Nghi Diên (Nghệ An), hai cậu bé - một 5 tuổi, một mới chỉ 3 tuổi chơi đùa như bao đứa trẻ khác. Và rồi tai nạn bất ngờ xảy ra. Bé lớn sẩy chân rơi xuống một hố công trình sâu gần một mét.
Cậu bé Nam Phong, mới 3 tuổi, chẳng thể kéo bạn lên, chẳng thể hét to cầu cứu, nhưng bé biết làm điều quan trọng nhất: chạy vào nhà cầu cứu sự trợ giúp của người lớn.
Không nói được hết câu, chỉ "mẹ ơi, cứu cứu", tay thì chỉ về phía ngoài vườn. Nhờ hành động nhanh trí đó, người lớn kịp thời chạy ra, cứu sống bé 5 tuổi khỏi tình huống nguy hiểm.
Khoảnh khắc Nam Phong chạy vào nhà báo tin cho người lớn khi thấy bạn gặp nạn. Video: Hùng Lê
Hành động của Nam Phong khiến nhiều người xúc động và khen ngợi. Một phần vì sự thông minh của cậu bé, phần khác quan trọng hơn, theo tôi vì nó gợi lại những câu chuyện đau lòng: những vụ đuối nước thương tâm, nơi trẻ em gặp nạn hoặc tự cứu nhau theo bản năng, rồi cả hai cùng rơi vào nguy hiểm.
Không thiếu những trường hợp hai, ba đứa trẻ rủ nhau đi tắm suối, tắm sông một em trượt chân, em còn lại lao ra cứu, rồi cùng bị nước cuốn. Điều đáng nói là: nếu một em biết chạy đi gọi người lớn, có lẽ kết cục đã khác.
Chúng ta thường dạy trẻ em học bơi, học kỹ năng sinh tồn, nhưng lại quên mất một điều cơ bản: Biết gọi người lớn khi gặp nguy hiểm là kỹ năng sống còn.
Một đứa trẻ 3 tuổi như Nam Phong, còn chưa nói tròn vành rõ chữ, nhưng lại hiểu rằng: "Khi có chuyện, hãy báo ngay cho bố mẹ". Đó là một kỹ năng quý hơn vàng. Và đó là điều mà mỗi bậc phụ huynh nên dạy con ngay từ sớm: Không phải chuyện gì con cũng tự lo. Hãy gọi người lớn khi con thấy có điều bất thường.
Sau những lời khen ngợi dành cho sự thông minh và nhanh nhẹn của Nam Phong, có một điều khiến người ta băn khoăn: Cái hố đó từ đâu ra? Tại sao giữa khu dân cư lại có một hố sâu ngay sát móng nhà, không rào chắn, không cảnh báo, và cũng chẳng có biện pháp gì để ngăn trẻ em rơi xuống?
Nguyễn Quyết