Câu hỏi có nên phạt lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc hay không gần đây được khá nhiều người quan tâm. Đây là vấn đề gây nhức nhối, không chỉ là nỗi lo của những anh em lao động mà còn là nỗi lo của gia đình, người thân của họ.
Nói đến hai từ “bỏ trốn” không ít người trong chúng ta nghĩ đến một hành động sai trái, bất chấp pháp luật để rồi có cái nhìn phiến diện hay thậm chí coi thường cái hành động đó.
Tuy nhiên, biết đâu ẩn sau cái gọi là “bất chấp pháp luật” ấy lại có gì đó đáng để chúng ta tìm hiểu và suy ngẫm, đúng như những gì các cụ ngày xưa đã nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Tôi là sinh viên du học tại một nước đang thu nhận nhiều lao động Việt Nam. Như bao sinh viên khác ngoài giờ học tôi cũng đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình. Có một thời gian tôi làm phiên dịch cho công ty môi giới phía Việt Nam.
Tuy số tiền kiếm được không nhiều nhưng tôi có cơ hội tiếp cận “hang ổ” của họ và vô tình trở thành phóng viên tác nghiệp từ khi nào. Tại đây tôi đã tìm hiểu và chứng kiến được nhiều bất cập của công ty môi giới (CTMG) để từ đó càng thấu hiểu được khó khăn, vất vả của những người lao động xa quê hương.
Sang đến đây, người gặp may mắn thuận lợi thì ít mà kẻ than vãn, bất bình thì nhiều vô kể.
Trước khi sang đây, những người lao động phải trả cho CTMG số tiền khoảng từ 6.000 đến 7.000 USD trong thời gian hai năm, chưa kể những chi phí phát sinh khi qua đến đất nước này. Người lao động được ăn, nghỉ ở ký túc xá của CTMG tại đây và chịu sự quản lý của họ.
Mỗi tháng công nhân phải trả rất nhiều khoản phí, nào là phí quản lý cho doanh nghiệp Việt Nam, phí môi giới cho các công ty Việt Nam và phí quản lý bên phía nước sở tại, thuế thu nhập, tiền bảo hiểm, ngoài ra, người lao động còn phải trả tiền ký túc xá, tiền ăn...
Nếu như ngày làm 8 tiếng, không có việc làm thêm, mỗi tháng trừ hết các khoản phí trên thì người công nhân chỉ nhận được khoảng từ 7 đến 8 triệu đồng. Với mức lương ít ỏi như vậy anh em công nhân phải làm gần hai năm mới trả hết vốn nợ vay tại Việt Nam.
Xa quê hương hai năm, phải cật lực lao động mà không được tăng thêm đồng nào, họ phải sống trong cảnh “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”. Chưa kể đến số tiền vay lãi ở nhà, lãi mẹ đẻ lãi con
Hai bên chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau.
Như vậy, điều mà người lao động cần nhất chính là vấn đề có được làm tăng ca hay không?
Hiểu được tâm lý của người lao động, các CTMG nói như rót mật vào tai, hứa với người lao động khi sang đây sẽ có môi trường làm việc tốt, chỗ ăn ở sạch sẽ khang trang và đặc biệt là có tăng ca, thậm chí tăng ca rất nhiều.
Nhưng khi sang đến nơi, anh em mới thất vọng “toàn tập”. Lúc này, CTMG mới tìm đủ lý do thuyết phục người lao động ở lại, họ khất lần tháng sau, tháng sau nữa sẽ có tăng ca hay đơn giản nhất là trách người lao động tác phong chậm, làm việc không chăm chỉ nên không có tăng ca.
Khi anh em lao động bức xúc dồn đến chân tường thì họ cũng chơi bài ngửa với lý do đại loại như: "Do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu nên ngay cả công nhân người bản địa còn thất nghiệp”… Sao những bất cập này họ không nói sớm với người lao động khi ở Việt Nam?
Rất nhiều trường hợp người lao động Việt Nam qua đây không có cơ hội làm thêm như trong hợp đồng. Do đó họ bức xúc, phẫn nộ với CTMG, người hàng tháng nhận tiền của họ, đứng ra giữ vai trò trung gian làm cầu nối, chịu trách nhiệm giúp đỡ cho họ trong quá trình làm việc tại Đài Loan.
Tuy nhiên, khi xảy ra vướng mắc thì hai bên lại chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là những người lao động.
"Bịt mắt" người lao động
Trước khi trả lời câu hỏi “Có nên phạt lao động bỏ trốn hay không?”, chúng ta nên xem xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Như đã nói ở trên, người lao động qua đây với mong muốn được làm thêm để trang trải số tiền vay tại quê nhà. Nhưng sang đến nơi họ mới biết những lời hứa của công ty môi giới là những lời hứa có cánh, thậm chí những thứ ghi trong hợp đồng còn mù mờ bịt mắt người lao động.
Tôi quen anh Khánh (quê Nghệ An), anh sang đây theo đơn hàng điện tử, nhưng đến nơi mới biết công việc của mình làm về hoá chất. Hàng ngày, anh phải rửa các thùng hoá chất để tái sản xuất.
Anh Khánh thường than với tôi rằng: “Khổ lắm, vợ tôi ở Việt Nam đang có thai ba tháng, tôi đăng ký qua đây theo đơn hàng điện tử, nhưng sang đến nơi mới biết làm về hoá chất, mùi rất khó chịu nhưng đã qua rồi thì không biết phải làm sao?”. Anh Khánh còn cho biết thêm trước đó đã có hai người Việt làm tại đây nhưng đã bỏ trốn vì không thể chịu đuợc mùi khó chịu, độc hại này.
Làm gì cũng phải có cái tâm
Ngoài ra, chuyện ăn ở của anh em công nhân cũng là vấn đề khiến nhiều người bức xúc, họ phải trả tiền cho CTMG nhưng lại phải ở trong ký túc chật hẹp, nóng bức.
Còn nhớ cách đây không lâu khi tôi đi dạy bổ túc tiếng Trung cho công nhân tại ký túc, chưa vào đến cửa tôi đã nghe thấy tiếng mắng mỏ, chửi bới không tiếc lời của bên quản lý lao động. Qua tìm hiểu, tôi mới biết họ lập ra một danh sách các luật lệ, quy tắc trong ký túc nếu anh em làm sai bất chấp mọi lý đó sẽ bị phạt tiền tiền.
Thì ra họ lợi dụng việc công nhân bất đồng ngôn ngữ, bắt ép thậm chí vu khống để tăng thêm thu nhập. Đây chỉ là những bất cập nhỏ trong rất nhiều những bức xúc của anh em lao động.
Thiết nghĩ, nếu công ty môi giới làm việc một cách thanh liêm thì đã chẳng xảy ra nhiều trường hợp người lao động bỏ trốn như hiện nay. Những công ty môi giới mọc lên như nấm, làm ăn đưa chữ lợi nhuận che mất chữ tâm.
Với họ, tiền là mục đích theo đuổi cuối cùng để rồi quên mất đi tình người, tình đồng hương. Pháp luật cũng chẳng sờ được gáy họ, lương tâm thì đã bị đánh cắp, chúng như những con muỗi hút máu đã miễn dịch từ bao giờ.
Tôi mong rằng các bạn đang và sắp có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thật cảnh giác để bảo vệ chính mình. Đừng vội tin vào những lời đường mật của công ty môi giới mà cần tìm hiểu thật kỹ, đặc biệt là từ những người đi trước, đừng vì họ mà phải đánh một ván bài quá mạo hiểm.
>> Xem thêm: Ý thức của lao động xuất khẩu kém
Chia sẻ bài viết của bạn về xuất khẩu lao động tại đây.