Sau những trận mưa lớn "giải nhiệt" cho TP HCM, rác thải nổi dày trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đặc biệt tại các khu vực thuộc quận 1, quận 3 và quận Tân Bình. Lượng nước thải tồn đọng trong mùa nóng, kết hợp với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước cũng gây ra tình trạng cá chết hàng loạt. Hiện nay, đội tình nguyện tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang sử dụng thuyền hoặc cano nhỏ để vớt rác thủ công dọc theo bờ kênh.
Từ ý tưởng của hai thành viên ban đầu, tới nay, sau hơn một năm thành lập, họ đã thu hút được hàng chục nghìn lượt tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải. Ngoài mục tiêu dọn sạch sông ngòi, kênh rạch, Sài Gòn Xanh còn hướng tới nỗ lực thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Chất thải nhựa dùng một lần, như túi nilon và ống hút, chiếm phần lớn ô nhiễm sông và biển ở Việt Nam, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Chúng chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng ở khu vực ven sông và ven biển.
Bất chấp những quan ngại cho rằng hàng nghìn người dọn rác sẽ chẳng bõ bèn gì so với hàng triệu người dân thiếu ý thức vẫn đang xả rác hàng ngày, nhóm Sài Gòn Xanh đã đem lại sự sống cho hàng trăm kênh rạch ở thành phố. So với việc chỉ ngồi đó mà quan ngại, hành động xắn tay lên dọn rác của họ ít nhất cũng mang lại kết quả nhất định, và quan trọng hơn, truyền đi những thông điệp khích lệ tới cộng động về ý thức bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, công việc thu gom rác thủ công như vậy tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ đối với sức khỏe và an toàn lao động của các tình nguyện viên. Rủi ro đến từ nguồn nước bị nhiễm bẩn, vật nhọn đâm vào, không khí và vi khuẩn trong các con kênh ô nhiễm.
Vấn đề đặt ra là liệu có giải pháp khả thi nào để góp phần thay thế sức người hay không, để làm sạch không chỉ kênh rạch ở TP HCM mà còn ở rất nhiều con sông trên cả nước?
Trong hơn bốn năm sinh sống tại một chung cư xã hội bên bờ sông Pandan, gần hồ dự trữ nước Pandan Reservoir tại Singapore, tôi đã chứng kiến họ áp dụng biện pháp lắp đặt "bẫy rác nổi" trên sông. Đây không phải là một ý tưởng mới mà đã được thực hiện thành công trên nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Hà Lan, Malaysia, Philippines...
Bẫy rác trên sông áp dụng tối ưu hóa quá trình thu gom rác thải trôi nổi với thiết kế đơn giản và chi phí tiết kiệm.
Một cách dễ hiểu, bẫy rác trên sông có thể được mô tả như một lồng lưới trang bị phao nổi và cửa sập để giữ lại rác, với miệng lồng thép được hình thành bởi một dây phao nổi hình chữ V, nhằm thu hút rác thải trôi nổi trên bề mặt nước. Bẫy rác được lắp đặt tại các vị trí quan trọng dọc theo dòng nước để thu thập rác thải, cành cây và các mảnh vụn khác.
Với khả năng thu gom cả những mảnh nhỏ và lớn của rác thải nhựa, bẫy rác trôi trên tiết kiệm công sức cho việc xử lý rác thải môi trường. Khung cứng với dải phao trôi hình chữ V giúp giữ cho bẫy ổn định trên mặt nước trong mọi điều kiện. Thiết bị này hoạt động một cách yên tĩnh, không cần sự hỗ trợ cơ khí, không gây tốn kém lớn về chi phí.
Đặc biệt, bẫy rác có thể được tùy chỉnh về kích thước và các thông số khác theo yêu cầu cụ thể của từng dự án, giúp nó trở thành một giải pháp linh hoạt và tiện ích cho việc xử lý rác thải trên các con sông và dòng nước.
Tại Romblon, Philippines, một bẫy thu rác nổi trên sông làm hoàn toàn bằng vật liệu tái chế như chai nhựa nối lại để tạo thành dây phao nổi, lưới thép qua sử dụng, dây nilon tái chế... đã thu được tổng cộng 285 kg rác thải mỗi ngày.
Với những con sông lớn có thể dùng hai bẫy chứa rác hình chữ V, lắp đặt so le với nhau và cách nhau một khoảng cách nhất định. Với cách bố trí này, thuyền và cano có thể qua lại bình thường nhưng rác thải trôi nổi thì được giữ lại.
Một giải pháp đơn giản và hiệu quả như bẫy rác trên sông sẽ giúp cho công tác thu gọn rác thải trôi nổi trở nên hiệu quả, dễ dàng và đỡ tốn sức người hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, nâng cao ý thức người dân sinh sống gần bờ kênh về việc giữ vệ sinh và không xả rác vẫn là điều quan trọng nhất.
Mặc dù Singapore là một quốc gia sạch nổi tiếng, thủ tướng Lý Hiển Long vẫn nhấn mạnh rằng, việc dọn rác trên sông không bao giờ là chấm dứt, người Singapore vẫn phải học cách không vứt rác.
Trình Phương Quân