Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Lào Cai về việc cho phép Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (Mã CK: BHS) được nhập 30.000 tấn đường thô của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu, công ty con của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Lào. Sau khi tinh chế, Đường Biên Hòa được xuất khẩu toàn bộ sản phẩm sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai – ông Đoàn Nguyên Đức cho biết đã nhận quyết định được nhập đường vào Việt Nam và sẽ thực hiện kế hoạch này trong tháng 3 và 4.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, doanh thu bán đường của Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 840 tỷ đồng, đóng góp nhiều nhất trong tổng doanh thu của công ty. Đây cũng là năm đầu tiên Hoàng Anh Gia Lai thu lãi từ lĩnh vực mía đường. Các năm trước, nguồn thu chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh nghiệp chủ yếu đến hoạt động bất động sản và bán căn hộ.
* Đại gia địa ốc sống nhờ nông nghiệp, quản lý chợ
Trong kế hoạch đầu tư năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai từng thay đổi chiến lược và đặt mục tiêu nông nghiệp lên hàng đầu thông qua việc trồng thêm 7.000 ha cao su và 4.470 ha mía. Cũng trong giai đoạn này, bầu Đức quyết định mạnh tay tái cấu trúc Hoàng Anh Gia Lai và dần rút khỏi lĩnh vực địa ốc, thủy điện trong nước.
Trước đó, việc bầu Đức bán 30.000 tấn đường cho Đường Biên Hòa tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số đơn vị. Trong một cuộc họp hồi tháng 11/2013, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng sự việc này đi ngược lại lợi ích của ngành, quay lưng với người dân trồng mía ở Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho rằng nếu chấp nhận với đề xuất của HAGL, vô hình chung sẽ tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự sau này, khi mà lượng đường tiêu thụ trong nước đang dư thừa. Niên vụ 2012-2013, cả nước dư thừa 400.000 tấn đường và niên vụ 2013-2014 có thể tồn kho lên đến 600.000 tấn, chưa kể hàng nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan sang Campuchia, Lào rồi về Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Liêm – Phó Chủ tịch VSSA cũng nhận định việc nhập đường sẽ gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng hàng triệu nông dân trồng mía. Theo ông, đường do HAG đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành rất thấp khi công ty này thu mua mía chỉ xấp xỉ 296.000 đồng một tấn, tương đương khoảng 4,3 triệu đồng một tấn đường. Trong khi đó, các nhà máy mía đường trong nước phải thanh toán tiền mía cho hộ trồng từ 950.000 đến 1,15 triệu đồng một tấn, đưa giá thành một tấn đường lên 9-11 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có văn bản chấp thuận, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường cho rằng với những "mong mỏi" trước đây không được đáp ứng, nhiều hội viên Hiệp hội đã nhìn thấy khó khăn trước mắt khi đường xuống giá, đường lậu về nhiều và nay lại có thêm đường nhập của HAGL.
"Nhưng với sự việc đã rồi, Hiệp hội hy vọng các cơ quan liên quan làm theo đúng văn bản đó, kiểm soát kỹ từ khâu nhập khẩu, tính chế đến khi xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Hải chia sẻ.
Dù vậy, dưới cái nhìn của một người cũng làm việc trong lĩnh vực mía đường, ông Lê Văn Tam – Chủ tịch Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Mã CK: LSS) lại cho rằng quyết định nhập 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai sẽ tạo cú hích tích cực cho toàn ngành đường. Theo doanh nhân này, ngành đường cần có sự đổi mới, tạo ra cuộc cách mạng mới phát triển được, chứ không chỉ “bo bo giữ để bế quan tỏa cảng”.
Đánh giá về hoạt động năm qua, ông Tam cho rằng ngành đường trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là khung cảnh chung của toàn thế giới. “Nông dân khó khăn, họ cũng không thể bỏ mía nên cứ phát triển. Nhà máy sản xuất sản phẩm ồ ạt, thị trường ế ẩm. Đến một lúc nào đó sẽ có nhiều nhà máy phải phá sản. Cho nên câu chuyện nhập đường kia cũng không có gì phải nghiêm trọng”, chủ tịch Mía đường Lam Sơn nói.
Phương Vi