Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông bầu Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có ý định bán 30.000 tấn đường do doanh nghiệp này sản xuất tại Lào cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng hợp tác này đi ngược lại lợi ích của ngành, quay lưng với người dân trồng mía ở Việt Nam.
Chia sẻ với báo giới tại cuộc họp ngày 22/11, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, nếu chấp nhận hỗ trợ cho HAGL, vô hình trung sẽ để đường nước ngoài có cơ hội lấn chiếm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Và việc nhập khẩu đường từ Lào để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược vi phạm chính sách biên mậu thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo thỏa thuận, các nước láng giềng chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do người dân hai quốc gia sản xuất.
Cho rằng 30.000 tấn đường nhập lần này không nhiều nhưng ông Long lo ngại điều này sẽ tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự sau này. Niên vụ 2012-2013, cả nước dư thừa 400.000 tấn đường và niên vụ 2013-2014 có thể tồn kho lên đến 600.000 tấn, chưa kể hàng nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan sang Campuchia, Lào rồi về Việt Nam.
Ông Đỗ Thanh Liêm, Phó chủ tịch VSSA kiêm Tổng giám đốc đường Khánh Hòa chia sẻ, trong nước đang dư thừa đường, lại không thể ngăn chặn tình trạng đường lậu nên việc xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Bản Vược là lối thoát duy nhất. Tại thị trường nội địa, đường nhập lậu chiếm 30% thị phần trong nước và mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam, nhưng số đường bị cơ quan chức năng bắt mỗi năm chỉ bằng hàng nhập lậu một ngày (chỉ 1.000 tấn).
Theo ông Liêm, đường do HAGL đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành rất thấp, sức cạnh tranh cao so với thế giới. Tại Lào, HAGL thu mua xấp xỉ 296.000 đồng một tấn mía, khoảng 4,32 triệu đồng một tấn đường. Trong khi để nông dân trồng mía tại Việt Nam đảm bảo cuộc sống, các nhà máy mía đường trong nước đã thanh toán tiền mía cho hộ trồng từ 950.000 đến 1,15 triệu đồng một tấn, chiếm 9-11 triệu đồng vào giá thành của một tấn đường.
Do vậy, theo nhận định của ông Liêm, nếu tạo điều kiện cho HAGL bán đường sang Việt Nam để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu Bản Vược có thể gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng với hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động tại các nhà máy.
"Đường do HAGL đầu tư sản xuất tại Lào nên để xuất sang châu Âu theo ưu đãi thuế quan nhập khẩu của Cộng đồng chung châu Âu dành cho Lào từ tháng 3/2011. HAGL xuất khẩu chính ngạch ở kênh này tốt hơn là chuyển về Việt Nam", ông Liêm nhận xét.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL cho hay, việc bán đường cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa sau đó xuất sang Trung Quốc không động chạm đến thị trường Việt Nam. Khi xuất và nhập đường thì cả HAGL và đường Biên Hòa đều phải đóng thuế, mang lợi ích cho nhà nước. Ông cho rằng sự hợp tác này có lợi cho các bên tham gia vì góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở trong nước lẫn ở Lào vì hiện có 90% nhân viên là người Việt ở nhà máy đường tại Lào.
Ông Đức nói: “Người dùng Việt đang chịu mức giá đường cao nhất thế giới, cao hơn Thái Lan đến 30%. Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi cách làm, tạo sự cạnh tranh để người dân trong nước được hưởng lợi”.
Theo kế hoạch đầu tư trong năm nay, HAGL ưu tiên phát triển nông nghiệp với việc trồng thêm 7.000 ha cao su và 4.470 ha mía. Công ty sẽ xây dựng nhà máy phân vi sinh 50.000 tấn một năm sử dụng phế phẩm của nhà máy đường. Nhà máy mía đường tại Lào của HAGL đã ra mẻ đường trắng kết tinh đầu tiên.
Vào ngày 23/9, Phó Thủ tướng Lào gửi công thư đề nghị chính phủ Việt Nam xem xét giải quyết hạn ngạch nhập khẩu 40.000 tấn đường do HAGL sản xuất tại tỉnh Át-ta-pư, Lào về tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013-2014. Tiếp đó, ngày 25/9, Công ty đường Biên Hòa đề nghị Bộ Công thương chấp thuận cho công ty nhập khẩu đường thô từ HAGL, sau đó xuất đường sang cửa khẩu phụ Bản Vược nhằm tận dụng công suất dư thừa. Hàng năm, đường Biên Hòa có khả năng chế biến 30.000-50.000 tấn đường thô.
Đến ngày 30/9, HAGL đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận việc bán 30.000 tấn đường thô cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa xuất khẩu qua lối cửa khẩu phụ trong niên vụ 2013-2014.
Trong công văn mới đây gửi Thủ tướng ngày 13/11, VSSA kiến nghị không chấp thuận việc nhập khẩu này cũng như không cho phép xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam sản xuất.
Phương Mai