Bầu Đức là người đầu tiên "vẽ" ra lộ trình vô địch bằng thật nhiều tiền với Dream Team ở những năm đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp. Rất nhiều ngôi sao của bóng đá Việt Nam đã lên phố núi. Nhưng ở thời cực thịnh, HAGL chẳng đóng góp được bao nhiêu tuyển thủ quốc gia. Như tại AFF Cup 2004, họ chỉ có hai đại diện là Nguyễn Văn Đàn và Lê Quang Trãi. Cả hai thực sự chỉ là "hạng 2" ở dàn sao phố núi khi đó, nhất là với nhóm cầu thủ đến từ Thái Lan do Kiatisuk cầm trịch.
Vô địch dễ dàng với Dream Team, nhưng ngay cả khi thành công rất nhanh chóng bằng công thức ấy, bầu Đức cũng kịp nhìn thấy một số vấn đề. Năm 2004, HAGL toàn thắng 11 trận sân nhà nhưng chỉ thắng ba trận sân khách. Có trận đấu ở sân Vinh, ông buộc lòng cất hết cầu thủ gốc Nghệ An, tự mình đội mưa tham gia chỉ đạo suốt trận đến mức phát sốt trên đường về nhà. Cũng trận đấu đó, ông có câu nói ấn tượng khi gặp hai cầu thủ trẻ rất nổi tiếng của SLNA: "Mua mấy đứa về, đội anh chưa bị gì, rồi chắc cũng ‘bệnh' hết".
Là một trong những người rất thích sử dụng cầu thủ của "lò" Nghệ An, bầu Đức từng thắc mắc: tại sao một nơi có thể sản xuất đều đặn và đông đảo nhân tài cho bóng đá Việt Nam đến mức có thể cùng lúc bố trí hai đội SLNA với chất lượng đều như nhau nhưng suốt 20 năm bóng đá chuyên nghiệp, SLNA chỉ vô địch đúng một lần. Câu trả lời được bầu Đức tìm thấy khi tiến hành xây dựng Học viện HAGL –Arsenal JMG với một tiêu chí quan trọng: Đạo đức cầu thủ. Có thể ông tin rằng, nếu các cầu thủ Việt Nam được đào tạo song song cả phần người và phần nghề, thì chắc chắn sẽ tiến xa. Vụ án bán độ tại SEA Games 2005 càng củng cố thêm nhận định ấy của bầu Đức.
Bầu Đức đúng. Có sự tương đồng rất lớn giữa các thành tích của bóng đá Việt Nam với những cầu thủ có phẩm chất tốt. Hai thế hệ vô địch AFF Cup 2008 và 2018 gồm đa số cầu thủ mạnh về cá tính nhưng cũng có những phẩm chất cá nhân tốt. Ngược lại, những lần thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường của bóng đá Việt Nam đều có những nghi ngờ về việc "nhúng chàm" của cầu thủ. Các vụ việc gần đây ở sân chơi trẻ chính là một báo động cho các thế hệ kế tiếp của bóng đá Việt Nam. Bởi nói cho cùng, những gì Việt Nam đang có chính là thành quả của một cách làm đúng của 10 năm trước chứ không phải bây giờ.
Nhưng mọi cái đúng của bầu Đức có thể sẽ chẳng làm ai nhớ cả. Người ta khó mà phục ông khi có lúc HAGL lên tuyển đến chín người nhưng chức vô địch thì lại chưa từng với tới. Sự khác biệt so với hồi Dream Team khiến cho những đồn đoán về việc bầu Đức tác động để "quân" lên tuyển vẫn sẽ đeo bám lứa cầu thủ Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng.
Thực ra, nghi ngờ cũng đúng. Thống kê năm mùa đã qua cho thấy HAGL hầu như không tiến bộ. Sau năm năm tính từ 2015, số điểm mà HAGL thu được trong một mùa tăng từ 24 điểm (thấp nhất, mùa 2015) đến 35 điểm (cao nhất, mùa 2019), nhưng khoảng cách điểm giữa họ và nhà vô địch thì hầu như không thay đổi. Ví dụ như mùa 2017, khi Quảng Nam đăng quang với số điểm rất thấp là 48 thì HAGL chỉ giành 30 điểm. Năm ngoái, khi họ đạt được nhiều điểm nhất, thì vẫn thua Hà Nội 18 điểm. Một đội bóng được xem là mạnh thì phải có khả năng vô địch, nhưng theo biểu đồ điểm số, thì sự phát triển của HAGL chỉ là một đường ngang suốt năm năm qua. Ổn định như vậy cũng có nghĩa là không có cơ hội tạo nên sự đột phá.
Đấy chính là điểm dở của lý thuyết mà bầu Đức đã bắt đầu 15 năm trước. Theo lý thuyết này, cầu thủ có đạo đức, văn hóa tốt thì tài năng sẽ thăng hoa, có khả năng phát triển tốt hơn người khác. Nếu đúng như vậy, HAGL bây giờ phải vô địch V-League hay chí ít cũng vào top 3, hoặc có khả năng đua tranh chức vô địch mới đúng. Thật khó tin khi một đội bóng sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia, vẫn thường xuyên đá đủ ba cầu thủ ngoại, có bổ sung những người từng chơi bóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại không thay đổi nổi tỷ lệ thắng trận. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Nếu cầu thủ có tài năng thực thụ, thì khả năng kiểm soát lối chơi ở đâu? Nếu cầu thủ thông minh hơn người khác, thế thì khả năng điều phối nhịp điệu chơi bóng và "gài bẫy" đối phương để tìm chiến thắng ở đâu? Và nếu cầu thủ HAGL có tài, thì sự đột biến của họ ở đâu khi mùa nào, số trận thắng của HAGL cũng chỉ loanh quanh tám - chín trận, chẳng có dấu hiệu đặc biệt nào.
HAGL là đội hòa ít nhất trong năm mùa gần đây. Nghĩa là, các trận đấu của họ hoặc chỉ thắng, hoặc thua, một dấu hiệu cho thấy đội bóng không có khả năng điều chỉnh lối chơi, phong độ. Trong khi đó, theo lẽ thông thường, các đội bóng vô địch luôn đạt tỷ lệ trận thua thấp nhất giải. Nếu không thể thắng, họ sẽ tìm cách cầm hòa, vừa giành một điểm vừa khiến đối phương cũng không thể tiến nhanh. Như mùa trước, Hà Nội vô địch với tám trận hòa và ba trận thua, trong khi TP HCM thua sáu và hòa sáu. Như vậy, chỉ kém Hà Nội một trận thắng nhưng TP HCM thực ra đã không còn cơ hội vô địch trước bốn vòng đấu.
Tính đến mùa này, "những đứa trẻ" của bầu Đức đã đá sáu năm tại V-League. Độ tuổi trung bình cũng hơn 27. Số tuyển thủ quốc gia và U23 vẫn còn trong biên chế là tám. Với việc Công Phượng đã về nước, và có thể được triệu hồi từ TP HCM, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, HAGL có cơ hội tung ra sân toàn bộ lứa cầu thủ U19 tài năng ngày nào. Kinh nghiệm, điểm rơi tuổi tác và cả thời cơ cũng đang ở trong tay HAGL. Vấn đề còn lại là bầu Đức có dám "chơi lớn" một lần không?
Thể thức thi đấu hai giai đoạn hiện nay là cơ hội cho HAGL vì họ vẫn có truyền thống đá tốt ở lượt đi và luôn thể hiện trọn vẹn năng lực khi gặp các đội bóng mạnh. Hiện HAGL có bốn điểm sau hai trận và còn năm trận sân nhà, nhiệm vụ của họ là tìm vé vào giai đoạn hai với tám đội mạnh nhất. Khi đó, kiểu trận đấu "ăn thua đủ" sẽ là lợi thế của những đứa trẻ bầu Đức - những người rất cần một danh hiệu V-League để kết thúc câu chuyện đẹp và ý nghĩa.
Song Việt