Trong vòng 12 tháng, người dân Campuchia sẽ đi bỏ phiếu hai lần. Ngày 4/6, 7,8 triệu cử tri đã đăng ký của Campuchia sẽ bầu ra người đứng đầu hội đồng xã, phường. Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018 sẽ chọn ra đảng cầm quyền và thủ tướng khi người dân bầu cử nghị sĩ quốc hội.
Tuy có 12 đảng tham gia, bầu cử năm nay được cho là cuộc đua chủ yếu giữa đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen, người đã cầm quyền 32 năm, và đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), theo Diplomat.
Thủ tướng Hun Sen tuần trước nói rằng chiến tranh có thể nổ ra tại nước này nếu đảng cầm quyền để thua trong cuộc bầu cử địa phương tháng sau và tổng tuyển cử năm tới.
Theo hệ thống phân khu hành chính hiện nay, có 1.646 xã, phường thuộc các quận tạo thành 24 tỉnh của Campuchia. Năm 2012, đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền (sau này hợp nhất thành CNRP) đã giành được tổng cộng 40 xã, phường trong khi CPP giành được 1.592 xã, phường.
Tuy nhiên, kết quả bất ngờ của cuộc tổng tuyển cử năm 2013 - khi CPP chỉ thắng 13 ghế quốc hội trước CNRP - kết quả chưa từng có kể từ khi ông Hun Sen lên nắm quyền - đã làm rung chuyển mặt bằng chính trị trong nước. Kết quả đã khiến khiến những người trong đảng CPP phải cảnh giác.
Đà tiến của CNRP đã làm cho CPP bất ngờ và kéo theo khủng hoảng chính trị khi các nhà lập pháp phe đối lập tẩy chay quốc hội. CNRP từ chối chấp nhận kết quả thua sít sao nói trên với cáo buộc gian lận bỏ phiếu. Khủng hoảng kết thúc khi Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chấp thuận kết quả bầu cử.
Việc cuộc bầu cử xã, phường được tổ chức chỉ một năm trước tổng tuyển cử làm cho nó trở thành chỉ số dự báo đáng tin cậy cho cuộc tổng tuyển cử tương lai, vì chính phủ Campuchia không thực hiện các cuộc thăm dò chính thức về ý định bỏ phiếu của người dân. Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ đặt ra một số điểm cần theo dõi vì chúng có thể tác động đến cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Lá phiếu từ nông thôn
Điểm thứ nhất là liệu CNRP có thể duy trì xu hướng trong cuộc bầu cử năm 2013, giảm khoảng cách với CPP. CNRP đã trải qua các cuộc cải cách nội bộ đáng chú ý bắt đầu từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Hai lãnh đạo hàng đầu của đảng này, Sam Rainsy và Kem Sokha đã phải đối mặt với những vụ kiện vì tội phỉ báng.
Sam Rainsy, người sống lưu vong trong vài năm qua, đã từ chức lãnh đạo của CNRP hồi tháng hai sau khi chính quyền Campuchia gợi ý rằng họ sẽ thay đổi luật để có thể giải tán các đảng có lãnh đạo phạm tội hình sự.
Kem Sokha, lãnh đạo mới của CNRP là người nổi tiếng trong chính trường Campuchia nhưng chưa có nhiều tầm ảnh hưởng bằng Sam Rainsy. Năm 2016, ông này bị kết án 5 tháng tù giam vì từ chối ra hầu tòa trong cáo buộc liên quan đến mại dâm. Ông này sau đó được Quốc vương Campuchia ân xá.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cầm quyền trong 32 năm. Ông nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân Campuchia vì dưới sự dẫn dắt của ông, Campuchia đã có những bước phát triển về kinh tế và cơ sở hạ tầng. "Tôi yêu quý CPP vì họ làm ra các con đường và khiến mọi người hạnh phúc", cụ ông Chan Chem ở Sandek nói.
Vùng nông thôn Campuchia là yếu tố cần chú ý trong cuộc bầu cử do sự mất cân bằng giữa đô thị và nông thôn trong vấn đề phân bổ số ghế quốc hội Campuchia hiện tại.
Thủ đô Phnom Penh ngày càng có nhiều người nông thôn đổ về sinh sống nhưng vẫn có số ghế tương tự với các tỉnh có dân số thấp hơn. Nhà phân tích Ou Virak, tại trung tâm nghiên cứu chính sách Diễn dàn Tương lai tại Campuchia, giải thích: "Điều này có nghĩa là mỗi phiếu bầu ở Phnom Penh chỉ có một nửa giá trị so với cử tri tại tỉnh Prey Veng. Vì vậy, tiếng nói của cử tri ở Prey Veng có trọng lượng hơn trong quốc hội so với Phnom Penh. Đây là một sự mất cân bằng và bất công đối với người dân Phnom Penh".
Cả CPP và CNRP đều nhận thức được tầm quan trọng của lá phiếu tại các khu vực nông thôn. CPP vốn dành nhiều nỗ lực lớn để quảng bá và nâng cao hình ảnh trong các khu vực phi đô thị để thu hút phiếu bầu – một nỗ lực đã đạt được nhiều hiệu quả.
Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, CNRP giành được chiến thắng ở Phnom Penh và các tỉnh lân cận, trong khi phiếu bầu của CPP đến từ tất cả các tỉnh khác. Khoảng 80% dân số người Khmer sống ở vùng nông thôn, và 20% trong số đó sống dưới mức nghèo hoặc có nguy cơ cao rơi vào đói nghèo.
Nhân khẩu học
Yếu tố thứ hai đáng quan sát trong các cuộc bầu cử ở xã, phường là nhân khẩu học. Dân số Campuchia chủ yếu là trẻ hoặc rất trẻ: 31% dưới 14 tuổi, độ tuổi trung vị là 24 (độ tuổi chia dân số thành hai nhóm với số lượng bằng nhau, một nửa những người trẻ hơn và một nửa già hơn). Đặc điểm này cũng từng được ghi nhận trong bầu cử năm 2013, khi 36% cử tri tri từ 30 tuổi trở xuống, và 1,5 triệu cử tri lần đầu tiên đi bầu.
Kết quả này cho thấy hành vi của giới trẻ sẽ là một trọng tâm cần khác quan tâm, có thể đưa ra những gợi ý rõ ràng về mức độ tham gia chính trị của họ và khả năng họ muốn có những thay đổi với mặt bằng chính trị.
Phần dân số này có những đặc trưng độc đáo. Thanh niên có xu hướng cập nhật tin tức tốt hơn và họ có nhận thức về những vấn đề nhạy cảm cao mà đất nước phải đối mặt như tham nhũng, mất đất, mất rừng, bất công xã hội và phân cực xã hội. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu họ có sẵn sàng thể hiện tiếng nói của mình hay không.
Tất cả các đảng phái chính trị cần phải xem xét và hiểu tính năng động của nhân khẩu học, nhưng Marc Pinol, nghiên cứu viên của Học viện Hợp tác và Hoà bình Campuchia (CICP) tại Phnom Penh, đánh giá rằng sẽ là sai lầm nếu cho rằng tuổi trung vị thấp của dân số sẽ dẫn đến thay đổi chính trị.
Mạng xã hội
Thứ ba, liên quan đến nhân khẩu học là vai trò của mạng xã hội trong chính trị Campuchia. Công cụ tương đối mới này có thể được sử dụng bởi tất cả đảng phái chính trị và gần như tất cả mọi người, bất kể tầng lớp hay bối cảnh xã hội. Facebook nhìn chung không chỉ là một công cụ giải trí, nó đã trở thành kênh được sử dụng nhiều thứ hai để tiếp nhận thông tin. Do đó, các đảng phải trở thành những bậc thầy mạng xã hội nếu họ muốn giành được phiếu bầu, đặc biệt là từ giới trẻ.
Cả CPP và CNRP đều tích cực sử dụng Facebook. Trong thời gian Sam Rainsy sống lưu vong vì đối mặt với cáo buộc tội phỉ báng, ông này chủ yếu sử dụng mạng xã hội làm công cụ để giao tiếp với công chúng Campuchia từ nước ngoài. Ông Hun Sen và CPP ban đầu dường như ngần ngại sử dụng mạng xã hội nhưng với sự hiệu quả trong việc tiếp cận cử tri, ông đã nhanh chóng cập nhật thông tin, thường xuyên đăng bài lên Facebook về các nhiệm vụ chính trị của ông và còn phát sóng trực tiếp các sự kiện mà ông tham gia. Trang của ông đã nhanh chóng vượt qua Sam Rainsy về số lượng lượt thích.
Tuy nhiên, Marc Pinol cho rằng ngay cả với việc mạng xã hội là công cụ được sử dụng rộng rãi trong chính trị thì nó vẫn chỉ là một công cụ đơn thuần và khó có thể dẫn đến việc thay đổi chính phủ.
Nói chung, cuộc bầu cử cấp xã, phường tới là cơ hội để quan sát xem một xã hội đang thay đổi nhanh chóng nhìn nhận các lãnh đạo của họ và tham gia vào chính trị như thế nào. Các yếu tố mà Marc Pinol chỉ ra cho thấy chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy CNRP có thể vượt qua được CPP.
Bất kể kết quả có thế nào, CPP và CNRP sẽ lấy đó như một thước đo sự ủng hộ dành cho họ và điều chỉnh các kế hoạch theo nó, Cambodia Daily nhận xét.
Phương Vũ