Các cuộc bầu cử tổng thống là dịp để người dân Mỹ bộc lộ mong muốn tới thế hệ lãnh đạo tiếp theo mà họ tin tưởng trao gửi lá phiếu. Cuộc đua năm nay cho thấy con số kỷ lục cử tri của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đi bỏ phiếu, nhưng dù đã làm vậy, họ vẫn không thể đồng thuận về những việc tổng thống đó nên làm.
Đảng viên Dân chủ và Cộng hòa ưu tiên các vấn đề khác nhau, sống trong những cộng đồng khác nhau và thậm chí bỏ phiếu bằng những hình thức khác nhau. Bất kể ai là người đắc cử, sự chia rẽ đó cũng cho thấy tổng thống tiếp theo sẽ đối mặt với bế tắc rất lớn trong quốc hội, cũng như sự hoài nghi về tính toàn vẹn của lá phiếu và khối cử tri kích động đang bị chia rẽ ngày càng sâu sắc bởi chủng tộc, giáo dục và địa lý.
Ngay cả việc kiểm phiếu cũng có nguy cơ chia rẽ người Mỹ. Bốn ngày sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, cả Trump và Biden đều không giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử.
Tổng thống Trump khuyến khích người ủng hộ tụ tập biểu tình tại các điểm kiểm phiếu, nơi vẫn đang kiểm đếm phiếu bầu qua thư - phương pháp bầu cử mà nhiều đảng viên Dân chủ ưa thích, trong khi theo đuổi chiến lược kiện tụng để trì hoãn thời gian công bố kết quả.
"Trừ thời Nội chiến, tôi không nghĩ là chúng tôi đã trải qua thời kỳ nào sự chia rẽ tiềm ẩn nhiều hiểm họa như lần này", nhà sử học Barbara Perry, giám đốc trung tâm Miller chuyên nghiên cứu lịch sử tổng thống thuộc đại học Virginia, nói.
Thậm chí trong cuộc bầu cử năm 2000, khi Tòa án Tối cao ra phán quyết có lợi cho ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa, ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ đã nhanh chóng nhượng bộ và các lãnh đạo Mỹ đã tìm thấy tiếng nói chung ở Đồi Capitol, tòa nhà quốc hội Mỹ.
"Để có được những điều này, cần phải có một người lãnh đạo có năng lực dẫn dắt, cũng như cần những người nguyện ý làm theo", Perry nói. "Tôi không nhìn thấy người nào nguyện ý làm theo cả hai phe".
Sự chia rẽ đe dọa cả năng lực đối phó khủng hoảng của tổng thống kế tiếp, trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 lập kỷ lục trong tuần này, nền kinh tế đang vật lộn để hồi phục sau đại dịch và nhiều người Mỹ đang bức xúc đòi giải quyết bất công chủng tộc.
Cử tri của Trump và Biden đều bày tỏ quan điểm khác biệt rõ rệt về những thách thức đó, theo khảo sát VoteCast của AP. Cử tri của Biden đa phần muốn chính phủ liên bang ưu tiên hạn chế nCoV lây lan, dù chịu thiệt hại kinh tế. Nhưng đa phần cử tri của Trump muốn tập trung hồi phục kinh tế, xem nhẹ vấn đề đại dịch.
Khoảng một nửa cử tri của Trump cũng nhận định kinh tế và việc làm là những vấn đề hàng đầu mà đất nước cần giải quyết bây giờ, trong khi chỉ 1/10 cử tri của Biden coi đó là vấn đề quan trọng nhất.
Trong chính sách chủng tộc và công lý, cử tri của Biden đa phần cho rằng phân biệt chủng tộc là vấn đề nghiêm trọng trong xã hội Mỹ, nhưng chỉ một phần cử tri của Trump, đa phần là người da trắng, có chung nhận định.
Biden đã cố thu hẹp khoảng cách này, thường kêu gọi đoàn kết dân tộc và hướng tới "linh hồn" của nước Mỹ. Trump thì tự cho mình là người bảo vệ cử tri. Ông đe dọa giữ lại các khoản viện trợ đại dịch của các bang do thống đốc Dân chủ lãnh đạo và chê bai những thành phố do đảng Dân chủ điều hành.
Nhiều đảng viên Dân chủ hy vọng Trump sẽ phải chịu một thất bại đáng xấu hổ, coi đó là sự phủ nhận rõ ràng với Trump và sự nghiệp chính trị của ông. Họ muốn có một kết quả không thể chối cãi, cho phép Biden theo đuổi những chính sách đầy tham vọng về y tế, giáo dục và kinh tế.
Trump có thể thua, nhưng việc đảng Cộng hòa vẫn giữ được vị thế tại Thượng viện và Hạ viện cho thấy "làn sóng xanh" mà phe Dân chủ kỳ vọng để kiểm soát cả quốc hội lẫn Nhà Trắng đã không xảy ra.
"Không có thắng lợi rõ ràng nào cho phe này hay phe kia. Cuộc bầu cử năm nay đầy rối rắm và lộn xộn", Martin Luther King III, nhà lãnh đạo dân quyền ủng hộ Biden, nói.
Cuộc bầu cử cũng củng cố liên minh cạnh tranh của hai đảng. Biden dựa vào cử tri thành thị và ngoại ô, đặc biệt là phụ nữ, cử tri có trình độ đại học và da màu. Trump vượt qua số phiếu bầu nhận được năm 2016 dựa vào lượng lớn cử tri mới đến từ nông thôn, đa phần là cử tri da trắng ủng hộ đảng Cộng hòa.
Kết quả tại các hạt có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhấn mạnh xu hướng đó: những nơi nghiêng về đảng Cộng hòa trở nên "đỏ" hơn, còn những nơi vốn nghiêng về đảng Dân chủ lại càng "xanh" hơn.
Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ tăng lên 70% ở những hạt đã ủng hộ Hillary Clinton năm 2016, còn tỷ lệ ủng hộ đảng Cộng hòa mở rộng tại 56% số hạt mà Trump từng giành được năm đó, theo phân tích của AP về tất cả các hạt có số lượng phiếu bầu tính đến tối 5/11 nhiều hơn so với kỳ bầu cử lần trước.
Xu thế này đã khiến một số "tân binh" Dân chủ từng giành được ghế trong Hạ viện tại những khu vực có quan điểm chính trị không rõ ràng lần này thất bại. Tại Iowa, nghị sĩ đảng Dân chủ Abby Finkenauer đã thua trong chiến dịch tái tranh cử ở khu vực phía đông của bang, khi Trump tăng tỷ lệ cử tri ủng hộ tại những vùng nông thôn như hạt Buchanan ngay phía tây Dubuque. Trump đã giành được ủng hộ của hạt nông thôn này, với 96% cử tri da trắng, với cách biệt 15% năm 2016. Con số này tăng lên 21% trong năm nay.
Sự phân cực về địa lý cũng là một trong những điều gây lo lắng cho những người nhận thấy văn hóa hợp tác ở Washington đang xói mòn nhanh chóng.
Nhận định về cuộc bầu cử năm nay, cựu thượng nghị sĩ New Hampshire Judd Gregg, một trong những tiếng nói hàng đầu của đảng Cộng hòa trong những ngày sau khi Tòa án tối cao ra quyết định về cuộc bầu cử năm 2000, cho rằng không rõ liệu những lãnh đạo trong quốc hội hiện nay có cảm hứng để làm việc với đảng bên kia hay không.
"Từng có những người trong thượng viện như Ted Kennedy và Ted Stevens, những người giữ quan điểm cứng rắn nhưng luôn có mặt đầu tiên để hoàn thành công việc và điều hành chính phủ, vì vậy họ không e ngại và sẵn sàng thỏa hiệp", Gregg nói. Ông là một trong số những người Cộng hòa chỉ trích Trump.
"Tôi không chắc kiểu lãnh đạo đó ngày nay còn không bởi những giọng điệu chát chúa đang thống trị cả hai đảng. Nhưng Biden, nếu đắc cử tổng thống, đã biết hệ thống hoạt động thế nào, vì vậy chúng ta có thể hy vọng".
Hồng Hạnh (Theo AP)