Trong khoảng 250 năm kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, dân số thế giới đã bùng nổ. Tuy nhiên, trước cuối thế kỷ này, số người trên trái đất có thể giảm lần đầu tiên kể từ Cái chết Đen (tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và Âu) vào thế kỷ 14.
Nguyên nhân không phải là số ca tử vong tăng mà bởi số ca sinh giảm. Trên khắp thế giới, tỷ suất sinh - tức số ca sinh trung bình trên một phụ nữ - đang giảm. Xu hướng này dần quen thuộc nhưng tác động của nó khó lường. Tương lai của kinh tế toàn cầu khi quy mô dân số giảm vẫn là dấu hỏi.
Năm 2000, tỷ suất sinh của thế giới là 2,7 lần sinh trên một phụ nữ, cao hơn nhiều so với "mức sinh thay thế" (là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống) là 2,1, giúp dân số có thể ổn định.
Ngày nay, tỷ suất sinh của thế giới là 2,3 và đang giảm. 15 quốc gia lớn nhất tính theo GDP đều có tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế. Nhóm này bao gồm Mỹ và phần lớn các nước giàu. Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ - cùng chiếm hơn một phần ba dân số toàn cầu - cũng trong danh sách.
Kết quả ở nhiều nơi trên thế giới, tiếng bước chân trẻ nhỏ đang bị lấn át bởi tiếng lạch cạch của những chiếc gậy chống. Ví dụ điển hình về các quốc gia già hóa dân số không chỉ có Nhật Bản, Italy mà còn bao gồm Brazil, Mexico và Thái Lan. Đến năm 2030, hơn một nửa cư dân ở Đông và Đông Nam Á sẽ trên 40 tuổi.
Nếu người già chết đi và không được thay thế, dân số sẽ giảm. Bên ngoài châu Phi, dân số thế giới dự báo đạt đỉnh vào những năm 2050 và kết thúc thế kỷ này với quy mô nhỏ hơn hiện nay. Kể cả ở châu Phi, tỷ lệ sinh cũng đang giảm nhanh.
Dù các nhà bảo vệ môi trường nói gì, thực tế dân số giảm sẽ tạo ra vấn đề bất lợi. Thế giới vẫn chưa thịnh vượng hoàn toàn và việc thiếu nhân lực trẻ sẽ khiến kinh tế khó khăn hơn rất nhiều. Một điều hiển nhiên là việc hỗ trợ những người hưu trí trên thế giới ngày càng vất vả.
Cần có những người trong độ tuổi lao động làm việc để đóng thuế. Nguồn thu đó dùng để trả lương hưu. Người già cũng cần những người trẻ và người thân chăm sóc. Tại các nước giàu hiện nay, cứ một người trên 65 tuổi sẽ có 3 người trong độ tuổi từ 20 đến 64. Nhưng đến 2050, tỷ lệ này sẽ ít hơn 2.
Tỷ lệ người lao động so với người về hưu thấp chỉ mới là một vấn đề của việc giảm mức sinh. Những người trẻ tuổi có nhiều thứ quan trọng khác mà các nhà tâm lý học gọi là "trí thông minh linh hoạt", tức khả năng suy nghĩ sáng tạo để giải quyết vấn đề theo những cách hoàn toàn mới.
Sự năng động trẻ trung này bổ sung cho kiến thức tích lũy của những người lao động lớn tuổi. Nó cũng mang lại sự đổi mới. Các bằng sáng chế do các nhà phát minh trẻ tuổi nhất nộp có nhiều khả năng chứa đựng nhiều đột phá hơn. Các quốc gia có dân số già hơn ít mạnh dạn và thoải mái trong việc chấp nhận rủi ro.
Các cử tri cao tuổi cũng bảo thủ chính trị hơn. Vì lợi ích mà người già nhận được ít hơn so với người trẻ khi nền kinh tế phát triển nên họ ít quan tâm đến các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là xây dựng nhà ở. Ngăn chặn sự tăng trưởng năng suất có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội.
Với những tác động này, các chuyên gia cho rằng việc coi tỷ lệ sinh thấp là một cuộc khủng hoảng cần giải quyết cũng hợp lý. Tuy nhiên, cần phải thấy nhiều nguyên nhân cơ bản của việc sinh ít lại là những điều đáng hoan nghênh. Đơn cử là khi người ta giàu có hơn, họ thường có xu hướng có ít con hơn.
Nói cách khác, phát triển kinh tế có khả năng dẫn đến giảm mức sinh xuống dưới mức sinh thay thế. Các chính sách khuyến khích sinh sản của nhiều nước có kết quả khá thất vọng. Ví dụ Singapore mạnh tay trợ cấp, giảm thuế và hỗ trợ chăm sóc trẻ em nhưng có tỷ lệ sinh tại nước này vẫn là 1.
Các nước giàu đang cho phép nhập cư nhiều kỷ lục, giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động. Nhưng bản chất vấn đề cũng không thay đổi rằng dân số toàn cầu đang giảm. Vào giữa thế kỷ này, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động trẻ có trình độ.
Do đó, giải pháp căn cơ hơn có thể là giải phóng tiềm năng của người nghèo trên thế giới để giảm bớt tình trạng thiếu lao động trẻ có trình độ mà không cần sinh thêm. Hai phần ba trẻ em Trung Quốc sống ở nông thôn và có điều kiện học tập thiếu thốn. Hay như tại Ấn Độ, cũng hai phần ba người từ 25 đến 34 tuổi chưa hoàn thành giáo dục trung học phổ thông.
Cùng với đó, lượng thanh niên của châu Phi sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều thập kỷ. Nâng cao kỹ năng của họ có thể tạo ra nhiều di dân trẻ có trình độ, những nhà đổi mới trong tương lai. Tuy nhiên, phát triển cho những vùng khó khăn trên thực tế là nhiều thách thức, trong khi ở những nơi càng giàu có sớm càng già đi nhanh chóng.
Do đó, cuối cùng, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với việc ít người trẻ hơn và quy mô dân số ngày càng giảm. Một lời giải khá kịp thời hiện tại là những tiến bộ gần đây của trí tuệ nhân tạo (AI). Một nền kinh tế sử dụng AI năng suất cao có thể dễ dàng hỗ trợ nhiều người đã nghỉ hưu hơn. AI có thể tự tạo ra ý tưởng, giảm nhu cầu về trí thông minh của con người. Kết hợp với robot, AI cũng có thể giúp chăm sóc người già. Chắc chắn sẽ có nhu cầu cao với những đổi mới như vậy.
Nếu công nghệ thật sự cho phép con người vượt qua khủng hoảng suy giảm dân số, điều đó cũng phù hợp với lịch sử. Sự tiến bộ vượt bậc của năng suất lao động những thế kỷ gần đây đã giúp tránh được dự báo đói kém hàng loạt mà nhà nhân khẩu học người Anh Thomas Malthus đưa ra vào thế kỷ 18. Ít trẻ em có nghĩa là sẽ có ít thiên tài con người. Nhưng điều đó có thể là một vấn đề mà những thiên tài có thể khắc phục bằng công nghệ.
Phiên An (theo The Economist)