Xuất phát từ quan điểm không đồng tình với nhận định 'Người ôm tiền mặt lo lắng hơn người giữ bất động sản' của tác giả Dqmtrieu, độc giả Minh.thuduc.83 chỉ ra ba lý do để tin bất động sản trong nước đang đạt đỉnh giá trị ảo và sẽ sớm trở về giá trị thật:
"Đọc ý kiến của bạn, tôi vừa thấy vui vì đây là số ít trong đám đông có cái nhìn tích cực mùa dịch. Nhưng những phân tích nguồn tài chính đó chỉ nhìn vào một góc cạnh của nhà môi giới bất động sản. Hiệu ứng domino liệu có xảy ra ở thị trường bất động sản của Việt Nam không? Tôi cảm nhận nó đang ngầm diễn ra nhưng chưa rộ, theo dự đoán cuối năm nay hoặc đầu năm 2021 sẽ rộ nhất.
Vậy bất động sản sẽ đi đâu về đâu? Câu trả lời là về lại giá trị thật của nó. Hiện tại bất động sản đang ở đỉnh cao giá trị ảo, dựa vào ba điểm sau:
- Người mua bất động sản để ở chiếm tỷ trọng rất thấp trong thị phần, thấp nhất trong ba nhóm đối tượng khách hàng.
- Người mua đất để làm tài sản để dành chiếm tỷ lệ cao hơn người mua để ở.
- Người đầu cơ bất động sản đây là con số lớn nhất, đang điều phối thị trường bất động sản trong nước.
Vậy nếu thị trường biến động, liệu người mua ở và mua để dành có gánh nổi cả thị phần bất động sản hiện tại, trong khi người đầu cơ đang "vỡ nợ" vì lãi ngân hàng? Tóm lại, chúng ta nên có nhận định tổng quan chứ đừng nhìn vào một góc nhỏ nào đó để đánh giá tổng thể".
>> Doanh nghiệp bất động sản sắp 'thiếu oxy'?
Cùng chung nhận định, bạn đọc Kỳ Anh phân tích tương lai của thị thì bất động sản trên bình diện suy thoái kinh tế thế giới:
"Nếu ôm bất động sản mà an tâm lúc này thì sao nhiều người không ngao du sơn thủy, 10 năm sau quay lại tận hưởng thành quả mà lại lên mạng lo chuyện đầu tư tiền, vàng của người khác? Cái ví dụ "sang năm, giá trị miếng đất đó tăng gấp ba lần..." rất khó xảy ra. Chỉ trong một năm, đất có tăng gấp 3 lần dễ dàng vậy sao? Thế nếu đất không tăng 3 lần mà lại giảm 3 lần thì sao? Nền kinh tế cả thế giới đang suy thoái, giảm thì dễ chứ tăng mới khó.
Ở bình diện thế giới, phần lớn các tài sản ở trạng thái bong bóng như nhà đất, cổ phiếu, trái phiếu... Việc rót tiền cứu trợ của các ngân hàng Trung ương vô tình hay hữu ý làm cho chúng tiếp tục lơ lửng. Chỉ có giá dầu là phản ánh gần đúng thực trạng của nền kinh tế. Và giá dầu diễn biến như thế nào?
Ngày 1/4 khi giá dầu là 22 USD, Tổng thống Mỹ cho biết ông đã trò chuyện với Tổng thống Nga Putin và Thái tử Ả Rập, dự kiến hai quốc gia này cắt giảm sản lượng dầu tới 10 triệu thùng. Giá dầu bật tăng 24%, lên 25 USD ngay sau đó. Nhiều nhà đầu tư, thực chất là đầu cơ, còn hy vọng giá dầu lên 45 USD - mức mà các công ty dầu đá phiến Mỹ cầm cự được. Thế nhưng, mặc dù đã có thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử, ngày 20/4, giá dầu thô rớt 300%, kết phiên xuống -40 USD.
Dầu về giá trị thực của nó, do thị trường quyết định chứ không do bất cứ thế lực nào thao túng. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho bất cứ loại tài sản nào bị thổi giá quá cao so với giá trị thực của nó".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.