Tại hội thảo Sức hút đô thị biển mới đây, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho biết, ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đã trải qua những biến động lớn chưa từng có do tác động nặng nề của đại dịch.
Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. Việc tái bùng phát dịch lần thứ hai đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ hai thành phố lớn là TP HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%. Thời điểm này giá phòng trung bình giảm mạnh so với cùng kỳ 2019, gây thiệt hại đáng kể cho hầu hết chủ sở hữu khách sạn, các khu resort nghỉ dưỡng.
May mắn đối với thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam là nhờ vào các biện pháp ứng phó đại dịch hiệu quả của Chính Phủ, nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng trong tháng 9 và 10, mở đầu cho quá trình hồi phục sau đợt Covid-19 thứ hai. Tuy nhiên, ông Mauro cho rằng không nên lạc quan kỳ vọng thị trường có thể hồi phục sau một đêm.
"Kể cả khi đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, chủ đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế", ông Mauro khuyến cáo.
Theo ông, có thể sẽ có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định khởi hành trở lại.
Bên cạnh sự chững lại của mảng lưu trú, các lĩnh vực liên quan đến du lịch cũng bị ảnh hưởng, mang đến nhiều thử thách trong quá trình hồi phục, thậm chí không loại trừ còn rất nhiều khó khăn ngay cả khi nguồn cầu quay trở lại.
Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương thừa nhận, không chỉ khó khăn trong năm 2020, ngay cả năm 2021 cũng được dự kiến là một năm đầy thách thức cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn khách nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của du lịch toàn cầu, bao gồm cả thị trường Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là một cơ hôi tốt vì Việt Nam có nguồn khách nội địa lớn, chiếm gần 85% tổng lượt khách trong năm 2019.
Báo cáo ngành du lịch khách sạn vừa công bố hôm 13/10 của Grant Thornton Việt Nam cũng cho biết, năm 2020 là cột mốc nhiều thử thách đối với ngành nghỉ dưỡng khi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển được áp dụng để đối phó với sự phát sinh của đại dịch. Đơn vị này cho rằng, quá trình phục hồi hậu Covid-19 đang diễn ra tại Việt Nam tuy nhiên không thể kỳ vọng sự phục hồi ngay lập tức.
Grant Thornton dự báo, có thể mất nhiều năm để ngành du lịch nghỉ dưỡng phục hồi như trước đại dịch, mặc dù hiện nay thị trường đang có những dấu hiệu khả quan nhờ nguồn cầu của khách nội địa. Đơn vị này đánh giá, khó khăn của năm 2020 cũng là thời điểm các nhà đầu tư có hiểu biết sâu sắc nhất về thị trường và có tiềm lực tận dụng lợi thế cạnh tranh để bứt phá trong giai đoạn mới sắp tới.
Tại hội thảo Hỗ trợ quá trình phục hồi của Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Nguyễn Thái phiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Novaland cũng cho hay, các nhà phát triển bất động sản tại thị trường Việt Nam rất sáng tạo khi không ngừng kiến tạo ra nhiều loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng đa dạng hơn trước đây. Nếu các mô hình mới này đạt tiêu chuẩn cao và được thị trường chấp nhận có thể hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi của ngành bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Ông Phiên dự báo, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn khó đoán trên toàn cầu, những dự án nghỉ dưỡng có kết nối hạ tầng tốt, thời gian di chuyển nhanh tại thị trường nội địa sẽ có nhiều cơ hội phục hồi sớm hơn.
Trong khi đó, ông Mauro nhận định, tuy không thể đòi hỏi sự hồi phục ngay lập tức nhưng ưu điểm không nên bỏ qua là ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam nhiều khả năng sẽ hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác. Cơ sở là Việt Nam đạt được yếu tố an toàn nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, hơn nữa lại có khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.
Nhiều chuyên gia bất động sản nghỉ dưỡng thừa nhận, Covid-19 làm cho thị trường nội địa ngày càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, các nhà phát triển cần phải có chiến lược phù hợp để xây dựng các dự án tại những thành phố hạng 2, 3 có phong cảnh thiên nhiên đẹp.
Ngoài ra, các chủ đầu tư khu resort nghỉ dưỡng, khách sạn nên chia ra nhiều tình huống khác nhau và cố gắng phản ứng khi từng tình huống xảy ra. Càng lên nhiều kế hoạch cho tương lai càng dễ thích ứng trước khó khăn vì diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng trở nên khó đoán định. Các chuyên gia đều tin rằng năm 2021 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn phụ thuộc vào khách nội địa để vượt qua khủng hoảng.
Trung Tín