Ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific cho biết đến cuối quý I, khi thị trường du lịch nghỉ dưỡng chịu tác động lớn từ Covid-19, các giao dịch khách sạn, quỹ đất phát triển dự án khách sạn có xu hướng bị chững lại và giá có thể đi xuống.
Việc hoạt động trong ngắn hạn của thị trường khách sạn giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi chưa thể khẳng định mất bao lâu để thị trường phục hồi hoàn toàn, kỳ vọng về giá trong các thương vụ khách sạn sẽ giảm xuống. Dự kiến các khách sạn phụ thuộc nhiều hơn vào phân khúc khách du lịch quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những khách sạn có nguồn khách doanh nghiệp mạnh.
Đầu quý II/2020, thị trường đầu tư khách sạn có sự gia tăng nhu cầu đến từ bên mua tiếp cận các đơn vị tìm kiếm tài sản đang gặp khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên số lượng tài sản có nhu cầu bán ở phân khúc 4 và 5 sao không đáng kể vì chủ sở hữu và chủ đầu tư ở các phân khúc này thường là những tập đoàn lớn có đủ dự trữ vốn để vượt qua đợt khủng hoảng này. Một số khách sạn cao cấp đang được chào bán hiện nay thực ra đã được mở bán từ trước khi dịch bệnh xảy ra.
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam lập kỷ lục về lượng khách quốc tế với 18 triệu lượt du khách và tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất khu vực. Năm 2019 cũng là giai đoạn thị trường M&A khách sạn và đất phát triển dự án nghỉ dưỡng sôi động trải khắp từ Hà Nội, Hải Phòng đến Nha Trang, Bà Rịa Vũng Tàu và Phú Quốc...
Tuy nhiên Covid-19 đã xáo trộn mọi thứ, đẩy thị trường này vào thế khó khăn. Việt Nam ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc vào cuối tháng 1, từ Hàn Quốc vào đầu tháng 3. Đến cuối tháng 3, tình hình xấu hơn khi tạm ngưng tất cả các chuyến bay quốc tế và nhập cảnh của người nước ngoài.
Với các biện pháp giới hạn di chuyển, giãn cách xã hội và quan ngại chung của du khách, Việt Nam chỉ tiếp đón 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong quý đầu năm, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách du lịch nội địa cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều sự kiện du lịch quan trọng bị hoãn hoặc hủy bỏ cũng tác động xấu đến thị trường.
Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 có thể lên đến 5,9-7,7 tỷ USD. Các khách sạn, công ty lữ hành và công ty du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn này. Nhiều khách sạn đã phải đi từ rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên, sa thải nhân viên, đến việc tạm thời đóng cửa khách sạn khi quá trình vận hành không thể mang lại mức hòa vốn tối thiểu.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngành du lịch sẽ phục hồi chậm sau đại dịch và có thể xảy ra một trong 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6, lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 70% so với năm 2019. Kịch bản thứ hai đưa ra tình huống xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9, lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 75% so với năm ngoái.
Dù với kịch bản nào, năm 2020 sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa có tiền lệ về lượng khách du lịch, dẫn đến việc suy giảm trầm trọng công suất phòng ở thị trường khách sạn. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam nhận định, nhìn ở góc độ tích cực, những biến động lớn cũng mang đến cơ hội. Đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng. Từ cuộc đại sàng lọc này, thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc.
Ông Thức đánh giá, sau giai đoạn cách ly xã hội, khi thu nhập chung có xu hướng đi xuống và số chuyến bay quốc tế còn hạn chế, nhu cầu du lịch nội địa sẽ được tăng cường. Ngoài ra, khách đi công tác lẻ cũng sẽ nằm trong nhóm phục hồi sớm sau đại dịch. Khi các chuyến bay quốc tế dần được mở lại, du khách từ Đông Bắc Á dự kiến quay lại Việt Nam sớm nhất.
Trung Tín