Theo báo cáo của CBRE, thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn khi các nhà sản xuất toàn cầu chạy đua tìm kiếm kho bãi ở những thị trường mới nổi để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việc gia tăng căng thẳng địa chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Covid-19 đã thúc đẩy các nhà sản xuất toàn cầu di dời đến gần hơn với những thị trường có lao động giá rẻ cũng như tay nghề cao.
Ông Desmond Sim, lãnh đạo bộ phận Nghiên cứu CBRE Singapore và Đông Nam Á cho biết một số nhà sản xuất đang chuyển từ nguồn cung tập trung sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia hoặc khu vực. Để đón làn sóng này, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích thu hút các ngành công nghiệp và hy vọng chiếm lĩnh được đa số thị phần từ việc di dời sản xuất.
Trung Quốc, nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới tính theo giá trị, đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 12,7% trong năm 2019. Tổng giá trị thương mại giữa hai quốc gia cũng giảm khoảng 100 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường hưởng lợi từ xu hướng này bao gồm Việt Nam và Đài Loan, hai đối tác thương mại có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Tổng giá trị thương mại giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á tăng lần lượt là 18,7 tỷ USD và 9,1 tỷ USD trong năm 2019.
Ông Desmond Sim đánh giá, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới. Trong bối cảnh gia tăng bảo hộ thương mại trên toàn cầu, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm kỷ lục về xuất khẩu và đang trên đà phát triển trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới. Xuất khẩu ghi nhận mức tăng trung bình 16,8% hằng năm trong giai đoạn 2010-2019. Tổng thặng dư thương mại năm trước đạt 9,9 tỷ USD.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã mang lại nhiều lợi ích cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm 2019, do các nhà sản xuất bắt đầu di dời đến những thị trường tiềm năng khác. Giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp Việt Nam tăng khoảng 10%, một vài khu công nghiệp ghi nhận giá thuê có thể tăng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vẫn còn nhiều rào cản cho các nhà đầu tư như thiếu hụt quỹ đất công nghiệp và cơ sở hạ tầng ở những trí thuận lợi (bao gồm gần cảng biển, cảng hàng không, và khu đô thị lớn), ngành công nghiệp chế biến chế tạo và thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi nhanh chóng của chuỗi cung ứng. Thương mại hóa toàn cầu, giao thương với các quốc gia phát triển tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.
Bên cạnh đó, CBRE đánh giá việc phát triển thương mại điện tử cũng đang thay đổi nhu cầu mặt bằng kho cho thuê khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tổng doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực được dự kiến tăng gấp đôi lên 389,5 tỷ USD vào năm 2023, từ mức 181,4 tỷ USD trong năm 2018.
Sự cải thiện của chuỗi cung ứng địa phương sẽ kết hợp bất động sản công nghiệp và bán lẻ, ảnh hưởng đến cách hàng hóa được lưu trữ và chuyển đến tay người tiêu dùng. CBRE dự đoán kho ngoại quan, hình thức kho cho phép lưu trữ hàng hóa mà không phải trả thuế, đang ngày càng phổ biến. Nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm nhập khẩu tăng lên, kho ngoại quan tạo điều kiện giao hàng nhanh hơn so với việc vận chuyển trực tiếp từ nước xuất xứ.
Trung Tín