Theo quy hoạch của thành phố, cạnh công viên Thanh Nhàn (đường Trần Khát Chân) sẽ có 1 khách sạn 5 sao, kế đó là tổ hợp tòa nhà văn phòng cho thuê. Khu vực xây nhà ở cho người có thu nhập thấp chiếm khoảng 15 ha ở Thanh Trì. Các dự án như khu đô thị Nam Vân Trì, khu đô thị Bãi Tầm Xá ở Đông Anh, dự án cải tạo khu nhà cũ trong nội thành... đều đang rất cần vốn.
Nhiều dự án bất động sản của Hà Nội đã có quy hoạch song thiếu vốn. Ảnh: A.T. |
Tại TP HCM hay Hải Phòng tình hình khát vốn đầu tư cho các dự án bất động sản cũng tương tự. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều công ty đã đứng ra môi giới tổ chức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Cuối năm 2005, Hiệp hội bất động sản TP HCM tổ chức một đoàn gồm 40 doanh nghiệp đi Singapore và Malaysia để giới thiệu 20 dự án. Tháng 3 tới Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị quốc tế (IDJ) lại tiếp tục đưa một đoàn sang 2 nước trên để xúc tiến đầu tư.
Khâu đền bù vẫn vướng
Các nhà tổ chức quảng cáo chuyến đi sẽ đem lại kết quả khả quan song nhiều chuyên gia trong ngành thận trọng đưa ra dự đoán không mấy sáng sủa. Theo một quan chức Bộ kế hoạch Đầu tư, hơn ai hết các nhà đầu tư như Keppel Land của Singapore có trong tay hàng loạt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào VN. Tại sao họ vẫn dè dặt? Theo cam kết giữa VN và EU, châu Âu được phép đầu tư dự án 100% vốn nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, nhưng 2 năm qua chưa có đại gia nào đánh tiếng với VN. Kết thúc chuyến xúc tiến đầu tư của TP HCM vừa qua, Hiệp hội bất động sản TP HCM cho biết kết quả rất tốt song chỉ có thông tin chung chung như vậy còn dự án nào được ký kết không hề được đả động.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó tổng thư ký tổng hội xây dựng VN, trở ngại lớn nhất với các đối tác nước ngoài khi đến VN nằm ở khâu bồi thường giải tỏa với mức tiền khó dự báo. "Giá bồi thường giải tỏa luôn biến động, mỗi năm một lần thậm chí một năm điều chỉnh 2 lần thì làm sao hấp dẫn các nhà đầu tư", ông nói.
Một vấn đề khác là những thành phố như Hà Nội hiện không còn đất ở những vị trí được coi là đắc địa trong lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn Ever Fortune sau thành công của dự án Pacific Place trên đường Lý Thường Kiệt có kế hoạch tiếp tục đầu tư tại Hà Nội. Song họ khảo sát cả thành phố khu vực trung tâm đã kín chỗ, còn danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của thành phố thì theo nhận xét của họ, nhà đầu tư khó thực hiện nếu không có ưu đãi.
"Trong lĩnh vực bất động sản ở đâu thị trường còn tiềm năng nhà đầu tư sẽ tìm đến, điều quan trọng là những động thái để giữ chân họ lại", ông Neil Thurson, Giám đốc điều hành Hanoi Lake View nhận xét. Quan điểm của chuyên gia này được chứng minh qua dự án Tây Hồ Tây. Các công ty xây dựng Hàn Quốc đã xin đầu tư vào khu đô thị Tây hồ Tây cách đây 3-4 năm, sau bao năm chờ đợi mới đây họ đã được cấp phép dự án hơn 200 ha với số vốn ước khoảng 1 tỷ USD.
Thu hút ở chính sách
Với mong muốn kéo được nhà đầu tư về với thủ đô, Hà Nội sẽ ban hành Quy chế thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2006. Ông Trần Đức Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho hay thành phố sẽ bảo đảm hoặc thanh toán chi phí xây dựng bên ngoài hàng rào, hỗ trợ giải póng mặt bằng, đảm bảo chính sách một giá với các dịch vụ... Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 3 tuyến đường vành đai, 3 tuyến xe điện, 3 cầu bắc qua sông Hồng để đáp ứng các điều kiện cơ bản cho nhà đầu tư.
TP HCM cũng dự kiến ban hành Quy định tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có riêng một phần nêu các biện pháp tạo điều kiện cho những dự án bất động sản. Hằng năm, UBND thành phố sẽ công bố danh mục dự án phát triển bất động sản kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài; lập riêng một công ty phát triển quỹ đất đảm trách việc chuẩn bị nguồn đất và làm dịch vụ công về bất động sản.
Ông Peter Dinning, Giám đốc phụ trách đầu tư bất động sản của VinaCapital khẳng định thị trường đóng băng chỉ là cách nhìn mang tính chất ngắn hạn. Nếu kinh tế VN có tốc độ tăng trưởng cao, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, tạo nền tảng tốt để đầu tư vào bất động sản, chính sách được cải tiến thông thoáng, nhà đầu tư tất sẽ tìm đến. VinaCapital đang huy động 50 triệu USD để thành lập quỹ Vinaland chuyên đầu tư căn hộ, văn phòng, khách sạn cho thuê ở Hà Nội, TP HCM và miền Trung. Sau thành công của quỹ Indochina Land Holding, Indochina Capital cũng có kế hoạch huy động thêm vốn đầu tư vào bất động sản.
Việt Phong