![]() |
Ông Trần Văn Thình. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trong câu chuyện của ông, nổi lên nỗi trăn trở về số phận của 80% dân số nước Việt, đó là những người nông dân.
Theo ông, việc gia nhập WTO thành công hay thất bại tùy thuộc vào hành vi của mỗi người VN hôm nay và cả trong tương lai. Sẽ rất có lợi cho những người hiểu WTO, và sẽ là thảm họa đối với những người không hiểu WTO. Vì đơn giản người giàu sẽ hiểu WTO hơn người nghèo. "Tôi đã gặp một phụ nữ 30 tuổi bán báo ở TP HCM. Cô ấy hỏi: “Người nghèo là ai? Ông có quan tâm đến tôi không”. Câu trả lời của tôi là có. Vì ở WTO, một trong những nguyên tắc chính là không phân biệt đối xử".
Ông Thình cho rằng đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất khi gia nhập WTO chính là người nông dân. Nông nghiệp là hòn đá tảng của nền văn minh VN. Nếu đối xử không tốt với người nông dân thì sẽ gây ra những khó khăn về mặt xã hội. Trung Quốc đã từng rơi vào trường hợp này. Trung Quốc có 900 triệu nông dân, và đã không giải quyết tốt khi vào WTO - tức là đã thương lượng không tốt về vấn đề nông nghiệp khi vào WTO, làm cho nông dân thiệt thòi. Có 200 triệu nông dân Trung Quốc đã phải đi làm việc, tìm việc bất hợp pháp ở các thành phố lớn, ở miền duyên hải. Đáng ra cần để người nông dân ở trên đồng ruộng của họ. Đừng để họ tìm việc làm ở các nơi công nghiệp hóa.
"Muốn làm được điều đó, phải chăm sóc người nông dân. Khi nông dân bị ngược đãi, không tôn trọng thì nền tảng nền văn minh của một nước nông nghiệp bị tổn hại. Và tôi hi vọng VN không lặp lại những gì đã xảy ra với Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Theo ông, để giữ chân người nông dân, VN cần cải thiện nền nông nghiệp, làm cho nó có tính cạnh tranh. Một trong những cách thức cải thiện là bỏ được các khâu trung gian để người dân được tiếp cận trực tiếp với thị trường và bán ở chỗ mà tôi có lãi nhiều nhất. Vì vậy, người nông dân phải được cung cấp thông tin, và những người có trách nhiệm phải làm cho việc thông tin đến người nông dân được đơn giản, dễ hiểu. Một biện pháp khác để giữ chân người nông dân trên đồng ruộng là phát triển lĩnh vực chế biến thực phẩm. Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm chế biến là lĩnh vực giúp kiếm lời nhiều nhất.
Vào WTO là vì chúng ta. Đây sẽ là một cuộc chiến, và là cuộc chiến khó khăn, chiến đấu vì hạnh phúc cho tất cả mọi người. Cần biết hạnh phúc là do tăng trưởng thương mại, phát triển kinh tế và xã hội, văn hóa đem lại. "Tôi đề nghị chúng ta nên “chiến đấu trên mặt trận kinh tế” vì trong chiến đấu, chúng ta rất đoàn kết", ông Thình nhấn mạnh.
(Theo Tuổi Trẻ)