Việc đấu giá diễn ra sau khi quá trình thẩm định hoàn tất, một lượng biển số của 63 tỉnh thành được đưa lên mạng để người dân lựa chọn. Cục Cảnh sát giao thông đang lựa chọn tổ chức có năng lực và ký hợp đồng với đơn vị đấu giá.
Dự kiến khoảng 100.000 biển số được cấp ra mỗi quý. Người dân có thể tham gia đấu giá ở tất cả địa phương trên cả nước. Mỗi phiên sẽ có nhiều cuộc đấu giá với số lượng biển nhất định, phụ thuộc thị trường và nhu cầu của người dân.
Trước đó ngày 26/6, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều về thí điểm đấu giá biển số ôtô. Bộ trưởng Công an quyết định số lượng biển số ôtô đấu giá tại mỗi phiên, gồm biển số xe của các tỉnh, thành, ký hiệu series là chữ cái từ A đến Z nền trắng, chữ, số màu đen. Các biển này chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới, đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.
Bộ Công an ký hợp đồng với một tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá biển số xe. Danh sách biển số xe đưa ra đấu giá được công khai 30 ngày trước phiên đấu giá. Đăng ký và tổ chức đấu giá thực hiện theo hình thức trực tuyến. Người tham gia được cấp tài khoản truy cập, hướng dẫn cách sử dụng tài khoản, cách trả giá. Công dân nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước của biển số xe đã chọn vào tài khoản tổ chức đấu giá, sau đó được cấp mã số tham gia.
Việc đấu giá biển ôtô manh nha từ năm 1993, khi Công an TP Hải Phòng báo cáo Bộ Công an xin phép cấp cơ chế quyền sử dụng biển số và có thu phí. Tới năm 2018, công an một số địa phương như Nghệ An, Bình Dương, Sơn La, Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã đề xuất Bộ Công an để nghiên cứu một cơ chế đấu giá biển số xe.
Năm 2021, sau nhiều cuộc thảo luận, Bộ Tài chính xin phép Thủ tướng dừng nghiên cứu đấu giá biển số xe do chưa đủ cơ sở pháp lý. Tháng 11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ôtô, trong đó quy định giá khởi điểm và tiền đặt trước của một biển số đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, bước giá 5 triệu đồng.
Việt An