Từ: Trung Nghia Le
Đã gửi: 18 Tháng Ba 2011 8:15 CH
Gửi anh Long!
Bật cười khi nghe lời tâm sự của anh vì nó giống hệt gia đình của tôi, chỉ khác là bà ngoại tôi khi đó đã ngoài 70 vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước đã đồng ý. Bố mẹ tôi hiện cũng đã gần 80 và bác ruột tôi nếu còn sống thì đã gần 100 tuổi khi đó đã đồng ý cho cậu ruột tôi lấy con của bác, tức là cháu ruột của bố tôi, giống hệt anh khi yêu cháu ruột của anh rể.
Hai người nói cho cùng chẳng có quan hệ họ hàng gì nên chẳng có pháp luật nào ngăn cản, có chăng đó chỉ là chuyện môn đăng hộ đối. Cũng xin nói rõ gia đình tôi là gia đình nho giáo, cụ nội là thầy đồ, ông nội ra làm quan thời Pháp thuộc, các thế hệ cha chú, anh chị quá nửa là giáo viên; bên ngoại là dân Hà Nội gốc, bên nội đến bây giờ cũng đã là 7, 8 đời ở Hà Nội. Nói thế để anh có thể hình dung về quan niệm truyền thống nó có thể thế nào.
Vấn đề phức tạp duy nhất có lẽ là anh cũng đã thấy rồi, giá mà tiếng Việt xưng hô đơn giản chỉ có hai ngôi nhỉ! Chúng tôi đã giải quyết thế này, nói ra để anh có thể tham khảo:
Đương nhiên cậu ruột tôi (gia đình tôi gọi là chú) thì không thể gọi mẹ tôi là cô rồi, ngược lại mẹ tôi thì vẫn phải gọi là em, chứ không thì mẹ tôi ngang ngôi với bà ngoại tôi mất. Việc này dẫn tới chúng tôi vẫn gọi chú ấy bằng chú, và con chú ấy vẫn phải gọi mẹ tôi bằng bác. Chúng tôi bây giờ cũng đã có gia đình, con chúng tôi gọi chú ấy bằng ông, gọi chị tôi bằng bác.
Còn chị họ tôi không thể gọi bố tôi bằng anh vì không thì chị họ tôi là ngang hàng với bố chị ấy. Vậy thì đương nhiên chúng tôi cứ tiếp tục gọi chị ấy bằng chị, và con chị ấy (cũng tức là con cậu ruột tôi) cũng cứ phải tiếp tục gọi bố tôi bằng ông. Bây giờ chúng nó cũng có con cái rồi, và con chúng nó thì phải gọi bố tôi bằng cụ, trong khi gọi mẹ tôi bằng bà.
Vậy thì ai đang xưng hô thế nào cứ tiếp tục xưng hô như thế, và các thế hệ tiếp theo cũng cứ tiếp tục mà gọi theo, ví dụ tôi gọi là chú và chị, thì con tôi gọi là ông và bác. Cái phức tạp duy nhất trong xưng hô là giữa con của chú và chị tôi là chúng tôi. Bà ngoại tôi chẳng thể xuôi tai khi chúng nó gọi chúng tôi là cô chú, và ngược lại cả họ nội nhà tôi chẳng xuôi tai được khi chúng nó gọi chúng tôi là anh chị, tức là chẳng hóa các chú, bác ruột của chúng nó cũng ngang bằng với chúng nó.
Chúng tôi phải quy ước thế này, dù vẫn hay nhầm lẫn lung tung cả, khi nào cùng có mặt bên nhà tôi thì phải xưng hô theo quan hệ bên này, tức là chúng nó phải gọi chúng tôi là cô chú. Ngược lại khi nào chúng tôi sang nhà bà ngoại thì chúng nó gọi chúng tôi bằng anh chị. Khổ nỗi quê nội quê ngoại tôi ở hai bên đường, gần đối diện nhà nhau ở một con phố ngày xưa vốn yên tĩnh giữa Hà Nội nên lắm lúc đứng hai bên đường gọi nhau chẳng biết xưng hô sao.
Họ hàng nhà tôi hai bên bây giờ có cả vài trăm người, đọc đến đây chắc ai cũng cười vì nhiều người đã biết. Hiện giờ chị tôi cũng đã nghỉ hưu, còn chú tôi thì cũng sắp nghỉ. Cả hai người đều là giáo viên, con cái cũng đã lớn cả.
Còn cái đoạn kết, được 4 năm sau khi cưới thì bà ngoại tôi mất, còn bác gái tôi (mẹ đẻ của chị ấy) được ơn trời vẫn còn sống ở tuổi 92. Sau này, để đơn giản trong xưng hô, cả gia đình thống nhất là con cái thì xưng hô theo cái có trước. Vậy ở đây thì bố mẹ tôi cưới trước (18 năm) nên chúng nó cũng phải gọi chúng tôi là cô chú. Coi như chú tôi hy sinh cái tôi của mình đi một chút vì sự phức tạp trong xưng hô của người Việt.
Quả thực nếu phong kiến thì bố mẹ tôi chắc sẽ có quyền phản đối cuộc hôn nhân ấy. Bác tôi khi đó còn sống đã phải gọi riêng mẹ tôi đi nói chuyện xem có phản đối gì không, và chúng nó cứ xưng hô như thế cho đến khi một đứa lấy chồng. Và anh bạn đó (với sự lẩm cẩm của mình) hô rằng mình phải gọi theo quan hệ của bố mình (tức là chú tôi) nên gọi chúng tôi bằng anh chị, gọi bố tôi bằng bác.
Bố tôi thì dễ tính nên chẳng để tâm cho đến khi nó gọi bố tôi bằng bác trước mặt các anh chị họ tôi và bị cả họ mắng, vì thế thì nó coi nó ngang với các anh chị ấy, do các anh chị gọi bố tôi bằng chú mà. Chuyện này theo lẽ thông thường, nhập gia tùy tục, đáng lẽ cứ theo cách xưng hô của gia đình vợ mà làm. Vì nếu chúng tôi cũng cứ theo bên bố tôi thì đương nhiên chúng tôi vẫn gọi chúng nó bằng cháu.
Vậy nên chuyện này chỉ là quy ước, dễ giải quyết mà. Hãy thuyết phục các cụ, chẳng có gì quá phức tạp đâu. Chúc hai bạn hạnh phúc!