Thi công cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex, cho biết giá vật liệu làm cao tốc đã tăng mạnh song các địa phương công bố chỉ số giá vật liệu chưa kịp thời và không phù hợp.
Thiết bị thi công cao tốc đòi hỏi chuyên dụng, công suất lớn, tuổi đời dưới 6-8 năm, không thể dùng các loại máy móc, thiết bị cũ, công suất nhỏ như làm đường cấp thấp. Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, giá thép hiện gần 20.000 đồng/kg, nhưng giá công bố của địa phương là hơn 18.000 đồng/kg; giá đất là 158.000 đồng/m3, còn giá công bố 105.000 đồng/m3.
Vật liệu sử dụng thi công cao tốc như cát vàng, đất đắp nền đường, cốt liệu đá đòi hỏi chỉ tiêu kỹ thuật riêng thì không được địa phương nêu tên cụ thể. Điều này khiến nhà thầu bị thiệt hại khi tính giá.
Khi giá thị trường tăng cao, hợp đồng dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 được điều chỉnh các yếu tố gồm máy thi công, nhân công, cát đá các loại, thép xây dựng, nhựa đường và xi măng. Trong khi đó, đất đắp là vật liệu quan trọng và chiếm tỷ trọng 10-15% giá trị gói thầu thì không được điều chỉnh. Thời gian vừa qua, giá đất đắp nền đường đã tăng 25-35%.
Ngoài ra, các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 có chất lượng không cao, trữ lượng thấp dẫn đến thiếu hụt đất đắp, đá cho lớp móng đường, bê tông nhựa. Nhà thầu phải khảo sát và tìm kiếm các mỏ khác, cự ly vận chuyển về công trường xa hơn.
Tại gói XL3, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thi công trên địa bàn Đồng Nai, nhà thầu phải mua đá sản xuất bê tông nhựa ở mỏ Núi Sò, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách công trường khoảng 80 km. Tại dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, nhà thầu phải mua vật liệu cách 45-50 km khiến chi phí vận chuyển đội lên.
Theo ông Tới, khi triển khai cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đơn giá định mức của Bộ Xây dựng ban hành, các địa phương phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. "Xây dựng cao tốc với yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian thi công trong 24 tháng hoàn toàn khác so với xây dựng đường giao thông cấp thấp, đơn giá, định mức vì thế cũng phải khác", ông kiến nghị.
Một nhà thầu tham gia cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Thanh Hóa) cũng cho biết, giá xăng dầu tăng gấp đôi, giá nhựa đường tăng gấp rưỡi khiến giá vận chuyển vật liệu cũng tăng lên. Tính chung các gói thầu xây cầu, đường đều tăng 25-30% so với giá trúng thầu. Trong khi đó, nhà thầu chỉ được tính trượt giá 5-6% nên "thua lỗ nặng".
"Đơn giá chậm được điều chỉnh hoặc rất thấp so với thực tế vì địa phương áp giá vật liệu xây dựng cao tốc như đơn giá đường nông thôn. Chúng tôi càng làm càng lỗ, vì hợp đồng thì phải tiếp tục", đại diện nhà thầu nói.
Đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố là cơ sở để lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, điều chỉnh giá hợp đồng. Thời gian qua, một số vật liệu tăng giá trên 20% như xi măng, đá các loại, nhựa đường, có những vật liệu tăng giá 80-90% như thép, nhiên liệu.
Tỷ trọng giá nhiên liệu và vật liệu chính trong giá gói thầu chiếm 30-50%, nhưng chỉ số giá của địa phương công bố không phản ánh thực tế biến động giá. Do giá vật liệu tăng cao, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đảm bảo bù đắp chi phí trượt giá, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo hoặc báo cáo Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc xác định, công bố chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp với biến động của thị trường. Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, Bộ đề nghị địa phương khảo sát, xây dựng và công bố giá vật liệu, chỉ số giá riêng cho dự án.