Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Nhưng từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nói cơn lốc Temu tràn hàng giá rẻ vào Việt Nam là sự cảnh báo lớn cho thị trường nội địa. Ông đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, khi để xảy ra hiện tượng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa xin phép nhưng bán hàng rầm rộ ở Việt Nam.
"Chúng ta cần hành động, phải kiểm soát về chất lượng hàng, chứ không thể buông lỏng", ông Cường nói.
Gần nửa tháng sau khi Temu âm thầm vào thị trường Việt Nam, Bộ Công Thương mới giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu sàn này tuân thủ pháp luật. Không riêng Temu, gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688 cũng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký.
Luật sư Nguyễn Đình Hiệp (Công ty Luật TNHH Hoanganh IBC) cho rằng việc một sàn online nước ngoài chưa đăng ký nhưng vẫn hoạt động, bán hàng ở thị trường trong nước cho thấy cơ quan quản lý thiếu cơ chế giám sát chặt để phát hiện các hành vi sai phạm của hoạt động này.
Thực tế, Việt Nam đã có quy định về xử phạt hành chính với website thương mại điện tử không đăng ký. Song theo ông Hiệp, mức phạt quá thấp, tối đa 30 triệu đồng với cá nhân, 60 triệu với tổ chức. "Với quy mô, lợi nhuận của các sàn thương mại điện tử ngày càng lớn, mức phạt này không đủ sức ngăn chặn, răn đe. Chúng ta thiếu chế tài đủ mạnh để quản các sàn này khi họ vi phạm", ông nói.
Còn theo Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (TP HCM), các quy định liên quan tới thương mại điện tử mới được quy định bằng các văn bản dưới luật (nghị định) và được chỉnh sửa và bổ sung từ 2013 đến 2021, nhưng chưa phổ quát hết các trường hợp. Ví dụ, quy định chỉ xử lý các trang web có tên miền".vn", nhưng thực tế phát sinh như trường hợp của Temu, website có tên miền ".com".
Việc quản lý lỏng lẻo, theo Chủ tịch Công ty Luật SB Law, khiến người tiêu dùng chịu rủi ro khi các sàn thiếu chính sách bảo vệ họ. "Các sàn bán online không xin phép thường không cam kết về chất lượng sản phẩm hay các chính sách đổi trả, bảo hành", luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law nhìn nhận.
Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, người tiêu dùng không có cơ sở bảo vệ quyền lợi của mình. Cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng như xác định trách nhiệm pháp lý và xử lý, bởi nhiều sàn không đăng ký, không có địa chỉ trụ sở rõ ràng ở Việt Nam.
Chưa kể, ông Hà lo ngại việc thất thu thuế từ các sàn bán online không phép, như Temu, Shein. "Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh khi đặt doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định vào thế bất lợi", ông bình luận.
Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông (VNPT) vào tháng 3/2023, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Tức là, trung bình mỗi ngày có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ không được thu thuế nhập khẩu và VAT.
Trong khi đó, hàng giá trị dưới 1 triệu bán qua các sàn online đang được miễn thuế, theo quyết định của Chính phủ từ 2010. Giả sử bình quân mỗi đơn hàng loại này khoảng 200.000 đồng, thì với 4-5 triệu đơn hàng, tổng giá trị lên tới 800 tỷ đồng. Tương ứng, ngân sách có thể thất thu thuế lớn nếu miễn thuế với loại hàng này.
Nhìn nhận các sàn như Temu, Shein lách và tận dụng việc miễn thuế với hàng dưới 1 triệu để bán đồ giá rẻ vào Việt Nam, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bỏ quy định này. Tức, hàng nhập vào Việt Nam là phải chịu thuế.
Tuy vậy, để lấp khoảng trống pháp lý, lỗ hổng trong quản lý sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, luật sư Nguyễn Đình Hiệp cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần tăng giám sát bằng việc phối hợp với đơn vị dịch vụ mạng để rà soát các tên miền thương mại điện tử. Từ đó, việc phát hiện và xử lý sai phạm sẽ kịp thời và nhanh chóng.
Về mặt công nghệ, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết họ có thể hỗ trợ Bộ Công Thương, Tài chính trong kiểm tra, đối soát khi các sàn bán online vào hoạt động tại Việt Nam.
Theo Luật Giao dịch điện tử, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, gồm thương mại điện tử, phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý. Bộ này đang xây dựng cơ chế tiếp nhận, quản lý về thương mại, giao dịch điện tử. Hệ thống này sẽ hỗ trợ các bộ ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Ngoài tăng rà soát, giới chuyên gia cho rằng nhà chức trách cần tăng chế tài xử phạt với các sàn vi phạm, gồm phạt tiền và hình thức bổ sung như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh khi họ cố ý vi phạm. "Việc này nhằm răn đe các hành vi tương tự trong tương lai", luật sư Nguyễn Đình Hiệp nói.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là điều cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. "Phối hợp với các nước khác sẽ giúp Việt Nam theo dõi, truy vết giao dịch của sàn nước ngoài, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và thị trường nội địa", ông Nguyễn Thanh Hà góp ý.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Bộ này đã báo cáo Thủ tướng về đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Việc này nhằm tăng quản lý Nhà nước với các giao dịch xuyên biên giới. Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng nhập qua các sàn chưa tuân thủ pháp luật.
Còn Bộ Tài chính cho hay họ sẽ bỏ quy định về miễn thuế VAT với hàng nhập dưới 1 triệu đồng bán qua các sàn thương mại điện tử tại Luật Thuế VAT đang trình Quốc hội, để tránh thất thu thuế.
Phương Dung