Chị Hoa ngụ ở quận 7, TP HCM, đã từng lưỡng lự không muốn cho con đi chuyến này. Bình thường, chị vẫn tham gia các cuộc đi chơi do trường Bin tổ chức. Lần này, chứng từ sổ sách cuối năm quá nhiều, chị không thể xin nghỉ để đi theo con. Cậu con trai nằng nặc đòi đi, hứa hẹn sẽ ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô nên chị đành ký giấy đồng ý dù vẫn cảm thấy không yên tâm.
Bin là đứa trẻ rất hiếu động, thậm chí “đôi lúc nghịch dại”, chị Hoa cho biết. Một lần đến trường đón con muộn, lúc các thầy cô đã về gần hết, chị thấy Bin đang để 4 bạn khác đang xúm vào cồng kênh rồi ném xuống sân trường. Chị mắng cho cả lũ một trận, cấm con không được chơi trò đó. “Nó vâng vâng dạ dạ, nhưng chẳng biết mai có nghĩ ra trò gì ngớ ngẩn và nguy hiểm để chơi với nhau không”. Chị rất sợ ở chỗ vui chơi đông đúc, con chạy nhảy linh tinh các cô không quản lý được.
Với chị Kiều Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội), mỗi lần con đi dã ngoại cùng trường là một lần chị làm việc không yên. Chỉ khi nào cô giáo nhắn tin tất cả trở về trường an toàn, chị mới thôi lo lắng. Chị vẫn còn nhớ năm con gái út 4 tuổi, nhà trường tổ chức đi thăm lăng Bác. Chị đi cùng và được chứng kiến cảnh mấy cô giáo trẻ sà vào hàng bán đồ lưu niệm mà quên mất nhiệm vụ để ý các cháu. Sau này con lớn hơn, chị không đi cùng nữa nhưng trước mỗi chuyến dã ngoại của các con, vợ chồng chị đều đi xem trước địa điểm. Anh chị sẽ không cho con đi nếu chỗ đó có một trong những yếu tố sau: Đông đúc, có thể bơi lội, cách nhà quá 60 km, đi qua đêm.
Anh Quang (Nhà Bè) thậm chí chưa bao giờ cho con đi dã ngoại cùng trường vì không tin tưởng vào sự quản lý của các thầy cô. Thỉnh thoảng hai vợ chồng dắt hai đứa con đi chơi mà quản lý chúng đã mệt bở hơi tai, huống chi cả lớp học hơn 40 cháu với chỉ một vài thầy cô”. Anh Quang giải thích và cảm thấy lựa chọn của mình là đúng đắn sau vụ học sinh chết đuối ở Cần Giờ hay tử vong ở công viên nước Đầm Sen. “Đến ở nước ngoài học sinh đi dã ngoại cũng gặp tai nạn tập thể như chìm phà Sewol ở Hàn Quốc hay xe bus chở học sinh Bỉ bị đâm trong đường hầm tại Thụy Sĩ”, anh Quang đầy nghi ngờ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ nên cho trẻ đi dã ngoại, thậm chí càng nhiều càng tốt. Bởi đi dã ngoại giúp trẻ học được rất nhiều điều từ tự nhiên cũng như có những trải nghiệm thực tế cuộc sống bên ngoài sách vở, giúp trẻ hòa nhập vào những hoạt động tập thể. Thạc sĩ Trần Minh Trọng, thành viên sáng lập CLB Dạy con nên người (TP HCM) cho rằng tìm về với thiên nhiên chính là một nhu cầu phát triển của trẻ nhỏ nói riêng và là nhu cầu tự nhiên của con người nói chung. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học trường Đại học sư phạm Hà Nội thậm chí còn đề xuất ngày toàn dân đưa trẻ ra đường để nâng cao kỹ năng sống cho trẻ.
Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo an toàn cho trẻ trong những chuyến đi dã ngoại cần có sự chuẩn bị chu đáo đối với cả học sinh và thầy cô. Thực tế hiện nay có rất nhiều trường cho học sinh đi dã ngoại giống như “lùa vịt”, tiến sĩ Thu Hương nhận xét. “Học sinh thiếu kỹ năng sống, thầy cô cũng thiếu kỹ năng quản lý, sơ cứu, nên khi có sự việc xảy ra tất cả đều rất lúng túng”.
Thạc sĩ Minh Trọng bổ sung, nếu đi chơi cả một lớp học tới 40-50 học sinh, thầy cô quả là rất khó quản lý, sẽ khó mà quan sát hết được các học sinh của mình. Tốt nhất, nếu ở bậc mầm non, một thầy cô chỉ có thể quản lý tối đa 5 em, bậc tiểu học là 10 em và các bậc học cao hơn có thể 20 em. Nếu đi đến những vùng sông nước nguy hiểm thì số lượng người lớn càng phải nhiều hơn và nên có các phương án dự phòng để đảm bảo an toàn.
Từng tổ chức thành công nhiều chuyến đi dã ngoại cho các em nhỏ cũng như phụ huynh của CLB Dạy con nên người, thạc sĩ Trần Minh Trọng nhận xét trẻ em phần đông đều hiếu động. Trong các trò chơi, ông quan sát thấy những đứa trẻ nhỏ yếu thường lép vế so với những đứa trẻ khỏe mạnh, hay nói cách khác, những đứa trẻ khỏe mạnh có thể đầu têu các trò chơi và bắt nạt được các bạn khác.

Các bạn nhỏ của CLB Dạy con nên người rèn nghị lực trong chuyến đi thăm hồ Trị An - Ảnh: DCNN
Vì thế, theo ông để đảm bảo an toàn cho con trẻ trong các chuyến đi dã ngoại, cha mẹ cần phải trang bị cho con một nền tảng thể chất và ý chí tốt. Điều này không thể làm ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình. Như thế trẻ sẽ không bị lấn át, thua thiệt trong những trò chơi cùng các bạn.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được chuẩn bị các kỹ năng khác như nếu bị lạc thì biết cách nhờ gọi điện cho bố mẹ hay gọi cho thầy cô, nếu bị bắt cóc xâm hại thì phải tìm cách trốn thoát như thế nào, đi sang đường phải ra làm sao, nếu trong nhóm có người đuối nước, ngã… thì phải biết sơ cứu như thế nào. Cha mẹ nên cho trẻ thuần thục các kỹ năng này bằng cách chơi trò sắm vai ngay ở nhà. Khi trẻ thuộc bài thì hoàn toàn có thể yên tâm cho trẻ đi dã ngoại.
Tiến sĩ Hương cho rằng, nếu trẻ được dạy dỗ nghiêm túc, tìm hiểu kỹ càng, trẻ thường không dám những biểu hiện hiếu động thái quá trong các chuyến dã ngoại. Có một thực tế chúng ta nuôi dạy con thường hay “dìm hàng” bọn trẻ, luôn lo sợ rằng con không làm được việc này, việc kia, khiến trẻ đâm tự ti, dẫn đến thất bại. Tuy nhiên khi trẻ được nâng tầm lên, được tôn trọng, trẻ sẽ làm được rất nhiều việc. Nếu cha mẹ tin tưởng con biết tiêu tiền, con sẽ rất tiết kiệm.
Trong những khóa dạy kỹ năng cho trẻ, bà Hương thường để các bé tiểu học, thậm chí là mầm non tự tìm đường lòng vòng trong thành phố Hà Nội. Bọn trẻ có thể bắt xe buýt và đi bộ từ Cầu Giấy lên Bờ Hồ (khoảng 10 km), tự cầm bản đồ tìm đường, tự mình hỏi thăm các cô bác bên đường, còn các cô giáo đi đằng sau làm vệ sĩ.
Kim Kim