Tại cuộc họp phòng chống bão Yinxing do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 8/11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão đang cách đảo Hoàng Sa khoảng 700 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 14, giật cấp 17. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 200 km.
Ông Khiêm đánh giá bão đang ở giai đoạn mạnh nhất và sẽ duy trì cấp 12 trong hai ngày đến khi tới phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, bão vào vùng biển có nhiều điều kiện khí tượng không thuận lợi như nhiệt độ nước biển thấp, không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống dẫn tới suy yếu.
Hiện bão còn xa, cơ quan khí tượng chưa đưa ra kịch bản mưa lớn trên đất liền. Vùng bắc Biển Đông đang có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6 m, vùng gần tâm 8-10 m. Ngày 11/11, vùng biển ngoài khơi Quảng Bình - Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12.
Ông Khiêm lưu ý đang có dải hội tụ nhiệt đới với rất nhiều nhiễu động hình thành ở phía đông Philippines, có thể phát triển thành bão, áp thấp nhiệt đới trong 10 ngày tới. Ngoài Yinxing, các bộ ngành, địa phương cần có phương án ứng phó với các cơn bão tiếp theo.
Nhiều hồ đầy nước
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết cập nhật đến 13h hôm nay Bắc Trung Bộ có 6 hồ thủy điện điều tiết qua tràn là Bình Điền, Đa Krông 1, Đa Krông 3, Hố Hô và Hương Điền. Duyên hải Nam Trung Bộ có 6 hồ đang xả tràn là A Vương, Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, Vĩnh Sơn 5, Sông Công bậc 1, Za Hưng.
Về hồ thủy lợi, Bắc Trung Bộ có hơn 2.320 hồ đạt 76-95% dung tích thiết kế, trong đó 6 hồ đang vận hành xả tràn. Nam Trung Bộ có 517 hồ đạt 39-87% dung tích thiết kế, trong đó 4 hồ đang vận hành xả tràn. Các hồ đạt gần 100% thiết kế sẽ không thể tích nước, cắt lũ.
Các tỉnh ven biển Hà Tĩnh - Bình Thuận còn 42 trọng điểm đê xung yếu, tập trung ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Lúa vụ mùa ở Nam Trung Bộ còn hơn 71.000 ha chưa thu hoạch, chủ yếu ở Bình Thuận với hơn 43.000 ha.
Lo ngại tâm lý chủ quan
Đại tá Phạm Hải Châu, Cục phó Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết đã yêu cầu các đơn vị duy trì chế độ trực với hơn 270.000 cán bộ, hơn 5.000 phương tiện, trong đó có trực thăng để ứng phó khi xuất hiện tình huống.
Theo đại tá Châu, những năm gần đây, các ngành đã ứng phó tốt với bão lớn như việc kêu gọi tàu thuyền đến nơi an toàn, không để xảy ra sự việc đáng tiếc. Tuy nhiên, bão Yinxing đang được dự báo suy yếu khi vào gần bờ nên có thể dẫn tới tư tưởng chủ quan.
"Thời tiết xấu trên biển thường gây nên rất nhiều tai nạn. Trên đất liền, miền Trung cũng đã mưa lớn từ đầu tháng 11, nếu cơn bão này gây ra mưa lớn nữa thì sẽ rất nguy hiểm", đại tá Châu nói và đề nghị các đơn vị sẵn sàng phương tiện di dời người dân đến nơi an toàn.
Đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói sợ nhất là người dân, chính quyền nghe dự báo bão vào bờ thành áp thấp, mưa nhỏ dẫn tới tư tưởng chủ quan. "Người dân đã rất mệt mỏi, vừa trở về nhà sau đợt mưa lũ. Nếu bão đổ bộ, dân lại tiếp tục phải di dời, tâm lý này sẽ dẫn tới khó khăn trong công tác chỉ đạo", ông Hiệp nói.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nguy cơ thứ hai của bão Yinxing là các hồ chứa. Trước bão Trà Mi, các hồ mới chứa được 30-40% dung thích thì hiện đã cơ bản đầy và đang xả tràn. Nếu giữ lại nước thì sẽ rất khó trong việc cắt lũ. Ngoài ra, vùng núi các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi đất đã no nước, chỉ cần tác động nhỏ cũng có thể kích hoạt sạt trượt.
Từ đầu năm đến nay, Biển Đông xuất hiện 7 cơn bão. Trước Yinxing, bão Trà Mi vào Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng ngày 27/10, gây mưa lớn ở Trung Trung Bộ, làm 8 người chết, 14 người bị thương, gần 330 nhà hư hỏng, hơn 1.200 ha hoa màu, 1.500 gia súc bị chết và cuốn trôi.
Gia Chính