Mới đây thôi, hai người chăn trâu 53 và 57 tuổi đã bị phát hiện nhiều lần xâm hại hai chị em gái 14 và 16 tuổi ở Hà Nội khiến một bé mang bầu. Hành vi của họ lặp lại nhiều lần trong những khi "xin nghỉ chân nhờ" ở nhà các em.
Vài năm trước, khi viết một chuyên đề về trẻ em, tôi đến gặp gia đình có cô bé chín tuổi bị ông nội xâm hại tình dục. Cha mẹ em từ Hậu Giang lên TP HCM làm công nhân. Ở quê không có việc làm, họ buộc phải gửi đứa con gái duy nhất cho ông bà nội và các cô chú trông coi. Trong ngôi nhà họ ở, chiếc chòi lá xây ké vào đất nhà cha mẹ, người cha bật khóc khi tôi tới: "Nhà ở sát ngay bên, mà tôi giờ không muốn nhìn mặt ổng nữa, khổ sở lắm mà chẳng biết làm sao".
Ông bà nội nhận chăm sóc bốn đứa cháu để cha mẹ tụi nhỏ đi làm. Đó là một buổi trưa, trời mưa. Hai cậu bé anh họ kể lại: "Tụi con bị ông nội đánh xong đuổi ra ngoài. Ông nội nói tụi con không được kể cho ai". Đó cũng là lúc cô bé bị ông xâm hại tình dục mà sau vài ngày, mẹ phải đưa em vào bệnh viện chữa trị vết thương. "Mình nghèo mới phải gửi con cho ông bà để đi kiếm ăn nuôi tụi nhỏ cô ơi...". Câu nói của chị dừng ở đó, chỉ còn tiếng sụt sùi.
Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, cha mẹ cô bé tội nghiệp luôn nhắc đi nhắc lại sự hối hận của họ, tự trách mình vì đã trao con cho ông bà nội chăm sóc. Và rồi chính người đàn ông thân thiết nhất đã thực hiện hành vi độc ác với cháu ruột mình.
Họ làm tôi nhớ đến con số mà Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 từng công bố. Trong năm 2017-2018, 86% số trẻ bị xâm hại (hầu hết là em gái) bởi thủ phạm là chính người thân, quen xung quanh em hàng ngày. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59,06%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; đặc biệt, 21,12% là người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, cậu, bác, anh, em họ.
Bốn nhân vật khác tôi phỏng vấn trong chuyến công tác đó đều gặp hoàn cảnh tương tự. Một cô bé đang học trung học bị bạn cùng lớp chặn đường và cưỡng hiếp. Một học trò khuyết tật bị chủ trung tâm chăm sóc mà cha mẹ gửi gắm em vào thực hiện hành vi đồi bại trong nhiều tháng. Cô bé 11 tuổi bị hai thanh niên hàng xóm cưỡng hiếp lúc cha mẹ em đi làm đồng chưa về. Gia đình đó rất thân với nhà em và họ cho đám trẻ chơi chung "để dòm chừng nhau" khi cha mẹ bận.
Gia đình, cha mẹ và chính các em rơi vào bi kịch bị xâm hại tình dục đều không ngờ người là thầy giáo, bạn thân của cha mẹ, chú ruột, ông nội, bạn cùng lớp, bà con, hàng xóm - những người không ai từng mảy may nghi ngờ - đều có thể biến đứa trẻ ngây thơ thành con mồi trong một khoảnh khắc nào đó. Và có lẽ, trước khi gửi gắm con, không cha, mẹ nào tưởng tượng nổi bé có thể trở thành nạn nhân bởi chính những người họ tin tưởng và tôn trọng bấy lâu nay.
Vì điều kiện kinh tế, đa số các gia đình ở nông thôn phải chọn gửi con cho người thân, quen nào đó để có thể đi làm. Hay vì thói quen văn hóa, hầu hết chúng ta mặc nhiên coi việc con ở với người quen biết là an toàn. Một nhân viên công tác xã hội từng giải thích với tôi rằng, vì những nơi họ ở quá xa xôi, vắng vẻ, bị cô lập, trẻ con lại được gửi gắm mà không có phòng vệ gì, thế nên các em dễ dàng rơi vào tầm ngắm của kẻ có ý đồ xấu.
Giải thích của cô có lẽ giúp nhiều người có thể hiểu phần nào câu chuyện kẻ gây án - con mồi. Những kẻ xâm hại tình dục trẻ em thường tận dụng quan hệ thân thiết đến mức mất đề phòng của người lớn chăm sóc bé. Kẻ này cũng thường xây dựng quan hệ thân mật với trẻ, để khi bị đưa đi, bị dẫn dụ các em hoặc tin tưởng, hoặc không phản kháng, hoặc vì sợ hãi sẽ làm theo. Kết cục xấu xảy ra khi các em bị đưa vào thế cô lập hoàn toàn, không có người thân bên cạnh, không có khả năng cầu cứu bất cứ ai khác và cũng không biết tự vệ. Những tình huống này có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào: tại nhà, ở ngoài đồng khi bé đi chơi, trong xóm khi trời tối, ngay sau sân trường, trên đường tan học về...
Thật trớ trêu nếu cha mẹ luôn phải nhắc con đề phòng trước tất cả những ai mà chúng gặp mỗi ngày, và đề phòng với cả người thân cùng nhà. Liệu chúng còn tin cha mẹ và nghĩ gì về cuộc sống này? Đó là lý do khiến nhiều cha mẹ không nỡ bắt con cái nghe về những khả năng tồi tệ. Nhưng còn gì đau đớn hơn đến khi đứa bé thực sự trở thành nạn nhân trong tay những kẻ dã tâm xâm hại và làm tổn thương em rất lâu dài?
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Hà cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực và xâm hại. Trong khi đó, các quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan "vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện".
Có lẽ những bài học tự vệ cá nhân, ý thức về thân thể, cấm người khác đụng chạm đến vùng tam giác, hay biết quan sát và tránh xa những hoàn cảnh có thể đẩy mình vào nguy hiểm... là những điều trước nhất cha mẹ có thể trang bị cho con mình để bé phần nào biết tự bảo vệ bản thân khi hệ thống pháp luật còn lơi lỏng với những kẻ xấu.
Khải Đơn