Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty này. 8 chiếc CPU bị tạm thu giữ có cài sẵn các phần mềm phổ biến như Microsoft Windows XP, Microsoft Office XP, Autodesk AutoCAD 2004, bộ Từ điển Lạc Việt mtdEVA 2002, bộ gõ Vietkey. Toàn bộ chương trình đó đều không có bản quyền, được bẻ khoá (crack) và cài vào máy tính để bán cho khách hàng.
Bà Phạm Thuý Hằng, cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Việt Nhật, cho biết, bản thân doanh nghiệp này cũng có những nội quy cấm sao chép, cài đặt phần mềm bất hợp pháp. Tuy nhiên, do nhận thức của nhân viên, cộng thêm sức ép từ yêu cầu của khách hàng nên dẫn tới những sai phạm.
![]() |
Kiểm tra máy tính tại Công ty Việt Nhật. Ảnh: B.H.H. |
Cuộc thanh tra nói trên là bước khởi đầu cho chiến dịch xử lý vi phạm bản quyền phần mềm trong năm 2006 trong khuôn khổ "Chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006-2010" do 6 bộ Văn hóa thông tin, Khoa học Công nghệ, Công an, Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ký kết hồi tháng 1.
Ông Phan An Sa, Chánh thanh tra Bộ Văn hoá thông tin cho biết: "Năm 2006 sẽ là thời điểm mà Chính phủ đẩy mạnh hoạt động xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiếp sau hàng loạt các nỗ lực nhằm cải thiện hành lang pháp lý và giáo dục ý thức cho người dân trong năm 2005".
Vị đại diện của Bộ Văn hoá thông tin cũng khẳng định sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan trong Bộ Luật dân sự sẽ tạo ra hành lang pháp lý hoàn chỉnh, làm cơ sở để thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ và chương trình hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của 6 bộ nói trên.
Trong Luật SHTT đã có những điều luật rõ ràng quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng nhiều biện pháp từ xử lý hành chính, dân sự cho tới hình sự với các mức phạt nghiêm khắc nhất. "Nếu như trước kia việc xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế xử lý thì sự ra đời của Luật SHTT sẽ tạo ra cơ sở vững chắn để có thể đẩy mạnh chiến dịch xử lý đối với các đối tượng kinh doanh, mua bán và sử dụng các phần mềm vi phạm bản quyền trong năm 2006", ông Phan An Sa nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam hiện nay còn rất phổ biến và vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc. Việc sử dụng phần mềm "chùa" đã trở thành thói quen đối với nhiều người. Năm 2005, có hai công ty máy tính bị xử lý về vấn đề bản quyền phần mềm.
Những vi phạm trong lĩnh vực này sẽ trở nên phổ biến hơn khi xã hội ngày càng phát triển, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ dẫn tới sự thiệt hại ngày càng lớn cho những công ty sản xuất phần mềm và tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Sự hoàn chỉnh của hành lang pháp lý cùng với việc nhập cuộc của các cơ quan chức năng được coi là yếu tố giúp cải thiện bức tranh toàn cảnh về bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Hưng Hải