Chủ nhật, 22/12/2024
Thứ sáu, 4/2/2022, 15:37 (GMT+7)

Bảo vật quốc gia ở di sản văn hóa thế giới

Quảng NamĐài thờ Mỹ Sơn A10 xây dựng vào thế kỷ IX-X, ghép từ 17 khối sa thạch thành năm lớp chồng lên nhau, Linga liền khối với Yoni.

Thủ tướng vừa ký quyết định công nhận thêm 23 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 10, trong đó có đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm A, khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên. Đài thờ này còn khá nguyên vẹn, một vài vị trí ở phần đế, thân và Yoni có vết vỡ nhỏ.

Đầu năm 2020, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam khai quật và trùng tu đài thờ cũng như tháp A10. Đài thờ có phong cách trang trí tiêu biểu mô phỏng kiến trúc thuộc phong cách Đông Dương, xây dựng thế kỷ IX-X.

Theo Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã phát quang, dọn dẹp, nghiên cứu và khai quật khu đền tháp Mỹ Sơn trong các năm 1903-1904. Đài thờ, hố thiêng của đền A10 đã bị xáo trộn và lật đổ trước khi khai quật.

Từ năm 1938 đến 1942, các nhà nghiên cứu tiếp tục khai quật và trùng tu đền A10. Sau 1975, đền A10 được khai quật và phát lộ, nhưng đài thờ A10 vẫn không được phát lộ, lắp ghép theo đúng như hình dạng vốn có của nó.

Tháng 7/2020, đài thờ được sắp xếp và trả lại vị trí trong đền A10. Công trình hình vuông, được ghép từ 17 khối sa thạch xếp thành năm lớp chồng lên nhau, cao 226 cm, dài 258 cm, rộng 258 cm. Linga đường kính 55 cm, cao 57 cm hình trụ tròn, được mài nhẵn, đường gờ chạy vòng quanh linga. Yoni dài 225 cm, rộng 169 cm, dày 31 cm.

Bốn mặt của đài thờ có bố cục chung giống nhau, gồm phần đế, thân và Linga - Yoni. Vòi Yoni quay về hướng bắc, thân đài thờ được trang trí giật cấp, thu vào ở giữa, trên dưới tương đối đối xứng.

Vòi Yoni đưa ra khỏi đế đài thờ để thoát nước.

Đài thờ là hiện vật gốc, độc bản có hình dáng độc đáo, hoàn chỉnh, có Linga - Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa cho đến nay.

Linga có vết rạn nứt chạy dọc từ chân lên đỉnh.

Trong mỗi vòm cửa mặt đông, tây, nam là những tu sĩ nam đứng chắp tay trước ngực theo dạng thức anjali mudra. Các tu sĩ mặc sampot có tà trước dài dưới đầu gối và hai dãi thòng xuống hai bên từ đai nịt của sampot.

Phần đế đài thờ hình vuông, kích thước 258 x 258 cm, được ghép từ chín khối đá.

Đài thờ Mỹ Sơn A10 bảo tồn được kỹ thuật xây dựng đá, là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá. Kỹ thuật mộng đuôi cá bằng chì hiếm hoi còn lại tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Chămpa nói chung.

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết đã hoàn thành việc lập phương án thiết kế mái che cho đài thờ phù hợp với không gian đền A10 và nhóm đền tháp A. "Chất lượng đá xây đài thờ còn khá tốt, nhưng nếu không có cách bảo quản hợp lý, hạn chế tác động của mưa nắng và con người thì sẽ dễ khiến hiện trạng bảo vật xuống cấp", ông nói.

Sau khi hoàn thành trùng tu, đài thờ phục vụ du khách tham quan.

Tại Quảng Nam ngoài đài thờ Mỹ Sơn A10, còn có hai hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm tượng kamukhalinga/Linga có một đầu thần Shiva và đầu tượng thần Shiva.

Đắc Thành