"Ukraine đã tận dụng các điểm yếu của Nga và buộc Moskva phải thay đổi chiến lược. Thành công này không thể thiếu các yếu tố như Mỹ và NATO. Không khó để hình dung rằng đảo Đài Loan sẽ được Mỹ và NATO hướng dẫn, cung cấp tin tình báo và truyền thụ kinh nghiệm tác chiến nếu có chiến sự nổ ra", bài phân tích đăng trên Thương thuyền và Chiến thuyền, tạp chí quân sự hàng đầu Trung Quốc, hôm 3/6 có đoạn viết.
Bài viết trên tạp chí cho rằng Trung Quốc đã rút được bài học then chốt về phương án tác chiến đô thị từ xung đột Ukraine, nhấn mạnh nó có thể áp dụng trong những chiến dịch quân sự nhằm thu hồi đảo Đài Loan trong tương lai.
"Địa hình đồi núi trên đảo Đài Loan sẽ khiến các đợt tấn công đổ bộ khó khăn hơn nhiều so với Ukraine. Các tuyến giao thông chủ chốt ở Đài Loan có số lượng hạn chế và thường chạy vòng quanh hòn đảo, trong khi đường sá ở Ukraine là mạng lưới dày đặc, cho phép lực lượng Nga có nhiều phương án tiến công thành phố", bài viết có đoạn.
Tác giả bài viết cho rằng quân đội Trung Quốc không có nhiều lựa chọn nếu muốn tập kích bất ngờ nhằm vào đảo Đài Loan, bởi các nỗ lực phá hủy tuyến giao thông trọng yếu cũng sẽ khiến lực lượng đổ bộ lên hòn đảo bị chia cắt.
Theo đó, chiến dịch tấn công hòn đảo sẽ đòi hỏi hoạt động hiệp đồng giữa hải quân và không quân, với sự hỗ trợ từ lực lượng hậu cần. "Ví dụ, lực lượng đổ bộ không chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ chuyển quân, mà còn phải yểm trợ cho bộ binh cơ động cơ động trên hòn đảo, hình thành một đội hình tác chiến toàn diện", tạp chí quân sự này nhấn mạnh.
Tác giả bài bình luận đề xuất phương án quân đội Trung Quốc tìm cách giữ chân lực lượng phòng vệ Đài Loan bên ngoài các thành phố, thuyết phục dân thường ở trong nhà và cắt mạng Internet nếu cần thiết.
"Nếu lực lượng Đài Loan tìm cách ẩn náu trong các khu vực dân cư, có thể dùng máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ và vừa để thu thập tin tức tình báo, sau đó tung đòn tập kích chính xác", bài viết có đoạn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự Trung Quốc tỏ ra không đồng tình với luận điểm trong bài viết. "Nó không đề cập đến nhiều vấn đề tối quan trọng, như phương án triển khai lực lượng từ đại lục đến hòn đảo. Quá trình chuyển quân qua eo biển rất khó khăn và chắc chắn sẽ có thương vong. Cũng thật phi thực tế khi tìm cách tách rời binh sĩ và dân thường Đài Loan, bởi các đô thị chủ chốt đều là thành phố cảng, đây là các mục tiêu ưu tiên của quân đội Trung Quốc và sẽ có giao tranh lớn trong nội thành", Ni Lexiong, nhà phân tích tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, nêu quan điểm.
Khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ ba hướng ngày 24/2, họ đã vạch ra mục tiêu "tốc chiến tốc thắng", với tham vọng chiếm được các thành phố trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev, trong vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, khó khăn về hậu cần cũng như các cuộc phục kích, tập kích của Ukraine khiến Nga không giành được đô thị chủ chốt nào.
Ba tháng sau, quân đội Nga phải tập trung vào những mục tiêu ít tham vọng hơn nhiều. Họ rút khỏi khu vực lân cận Kiev vào cuối tháng 3 và rút dần khỏi tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, từ cuối tháng 4, dồn quân bao vây các thị trấn, thành phố nhỏ ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, khi cục diện ngày càng giống một cuộc chiến tiêu hao khó kết thúc trong thời gian ngắn.
Lực lượng Nga đã thay đổi chiến thuật ít nhất ba lần trong quá trình này. Từ "đánh nhanh, thắng nhanh" ban đầu, họ chuyển sang "đánh chậm, tiến chắc", dồn quân về vùng Donbass, huy động các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) với trang bị hỏa lực mạnh tấn công các thành phố lớn ở tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như củng cố hiện diện ở các đô thị đã kiểm soát được như Kherson.
Nhưng đến giữa tháng 5, họ lại tiếp tục thay đổi chiến thuật, chia các BTG thành những đơn vị cấp đại đội và tác chiến ở quy mô nhỏ hơn, sau khi một số đơn vị lớn hứng thiệt hại nặng trong quá trình vượt sông hay di chuyển ở địa hình trống trải, trở thành mục tiêu cho pháo binh Ukraine.
Vũ Anh (Theo SCMP)