Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 6/12 đăng bài viết có tựa đề "Australia trong gọng kìm Mỹ về chiến lược Trung Quốc", với ảnh minh họa là một con kangaroo đứng trước bóng con đại bàng trên nền đỏ.
"Rõ ràng Australia đã trở thành con tốt trong chiến lược khu vực của Mỹ những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời chính quyền Trump. Trong chiến dịch tấn công Huawei, Australia đã nổ phát súng đầu tiên và lấy công với Mỹ", Global Times viết.
Tài khoản Twitter của Global Times sau đó tiếp tục chia sẻ bài viết kèm lời bình: "Thế giới ngày càng nhận thức được rằng việc xây dựng các liên minh hiếu chiến đã lỗi thời. Các quốc gia tuân theo cây gậy của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc phải biết rằng chính họ đang tự đặt mình vào thế khó xử".
Theo News.com.au, bức ảnh do Global Times đăng tải ám chỉ việc Australia "núp bóng" Mỹ, bởi kangaroo và đại bàng là những hình ảnh đại diện cho hai nước.
Động thái của Global Times được thực hiện trong bối cảnh quan hệ Canberra - Bắc Kinh đang trở nên nghiêm trọng do bức ảnh giả về lính Australia của một họa sĩ "chiến lang" Trung Quốc.
Bức ảnh giả mô tả cảnh một binh sĩ Australia tươi cười kề dao vào cổ một em bé Afghanistan đã được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng lên Twitter, khơi màu "khẩu chiến" hai nước.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên án "hình ảnh giả mạo" này là hành vi "thực sự đáng chê trách" và "xúc phạm". Ông nói thêm chính phủ Australia đang yêu cầu Trung Quốc xin lỗi cũng như đề nghị Twitter gỡ bài đăng được ghim đầu trang của ông Triệu.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối xin lỗi, cho rằng chính Australia mới là bên phải hổ thẹn vì những hành động gây ra với dân thường Afghanistan.
Quan hệ Australia - Trung Quốc gần đây trở nên nghiêm trọng khi Bắc Kinh áp loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với hàng hóa Australia cũng như liên tục công kích nước này về một loạt vấn đề.
Sự căng thẳng trong quan hệ song phương dường như nảy sinh kể từ khi Canberra đối đầu với sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Ngọc Ánh (Theo News.com.au)