Thứ tư, 24/4/2024
Chủ nhật, 23/4/2023, 12:42 (GMT+7)

Bảo tàng gốm sứ bên dòng sông Hương

Thừa Thiên - HuếNhiều đồ gốm sứ trục vớt dưới dòng sông Hương được giáo sư Thái Kim Lan và anh trai sưu tập rồi lập bảo tàng để giới thiệu đến công chúng.

Bảo tàng gốm sứ rộng khoảng 500 m2, nằm trong "Thái tộc Từ đường" trên đường Nguyễn Phúc Nguyên bên dòng sông Hương. Các hiện vật trưng bày do giáo sư Thái Kim Lan cùng anh ruột là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá sưu tầm.

Hơn 7.000 hiện vật được sắp xếp gọn gàng và đánh ký tự thời gian. Không gian trưng bày chia thành các chủ đề: Sông Hương dưới góc nhìn địa văn hóa; Đi tìm thời gian đã mất; Sông Hương kể chuyện; Gốm cổ trong đời sống xưa và nay.

Giáo sư Thái Kim Lan hiện giảng dạy Triết học và Phật học. 30 năm trước, bà cùng anh trai đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo, thấy những chiếc hũ, bình bằng gốm, sành sứ được bán trên vỉa hè và người bán giới thiệu là vớt lên từ lòng sông Hương nên đã mua về.

Từ đó, hai anh em bắt đầu sưu tập đồ gốm, mua trên vỉa hè Trần Hưng Đạo, mua từ những người chuyên lặn cổ vật ở sông Hương, hay tiếp nhận từ các nhà sưu tập như gia đình nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan.

Một số gốm sứ phục vụ việc ăn trầu cau của người Huế xưa được trưng bày trong không gian bảo tàng.

Các đồ gốm được trục vớt dưới dòng sông Hương từng được cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sưu tập.

Đồ gốm sứ trục vớt dưới dòng sông Hương được xác định do các nghệ nhân chế tác từ thời Trung Hưng, thế kỷ 17.

Các đồ gốm thời kỳ văn hóa Champa.

Ngoài các hiện vật là đồ gốm, khuôn viên bảo tàng còn trưng bày nhiều loại cồng chiêng bằng đồng do giáo sư Lan sưu tầm.

Kể từ khi mở cửa vào năm 2022, Bảo tàng gốm sông Hương trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách và người yêu văn hóa ở xứ Huế. Đây cũng là nơi sinh viên ngành du lịch thường xuyên tìm đến.

Võ Thạnh