Sau khi Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiều hãng tin, tờ báo nước ngoài đã đăng bài điểm lại quá trình gần 10 năm lãnh đạo của ông, đánh giá về những thành tích mà ông đạt được cũng như những điều mà nhà lãnh đạo này chưa làm được.
Trong bài viết "Thủ tướng Việt Nam miễn nhiệm sau 10 năm lãnh đạo", hãng tin AP cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn và có thái độ cương quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng kèm theo đó là những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Hãng tin này lưu ý Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng ba tháng trước khi ông hết nhiệm kỳ. Quốc hội cũng đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, trước đó là phó thủ tướng, lên làm thủ tướng thay ông Dũng.
"Trong nhiệm kỳ của mình, ông Dũng đã chứng tỏ được mình là một nhà lãnh đạo có tinh thần ủng hộ doanh nghiệp và nhận được sự ủng hộ cao, ngay cả khi các sáng kiến chính sách của ông nhận nhiều chỉ trích…", Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành phố Hong Kong, nhận định.
Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc cũng đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam miễn nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng, nhắc tới tờ trình của tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc trước quốc hội, đánh giá "thời gian đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Trang DNAIndia của Ấn Độ đánh giá ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong những thủ tướng nổi bật nhất của Việt Nam. Tờ báo này nhận xét ông Dũng là người "cuốn hút, có tài diễn thuyết và dễ dàng hòa đồng với các lãnh đạo nước ngoài, giúp nâng cao vị thế của đất nước".
Tờ báo cho rằng ông Dũng nhậm chức năm 2006, trong thời điểm cả thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tiếp theo đó là sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đầu tư và thương mại nước ngoài. Nhưng với kinh nghiệm và khả năng của mình, ông Dũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, báo chí nước ngoài cũng chỉ ra rằng ông Nguyễn Tấn Dũng còn phạm một số sai lầm trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là với các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng kế hoạch xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc doanh của ông Dũng là một ý tưởng hay, nhưng cách thực thi còn yếu kém, theo AP. Thay vì lựa chọn và thúc đẩy các công ty tư nhân làm ăn hiệu quả, có tiềm lực, ông Dũng lại quyết định đầu tư cho các tập đoàn nhà nước không có kết quả kinh doanh khả quan và có nhiều dấu hiệu tham nhũng.
Mặc dù vậy, chuyên gia London chỉ ra, "trong nhiệm kỳ của ông Dũng, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài quy mô lớn, trái ngược với xu thế chung của khu vực và thế giới".
AP dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng ông Dũng cần được hoan nghênh vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng ông vẫn để lại phía sau những khoản nợ công lớn, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, và nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi.
Việt Dũng