Chiều 1/1, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa mạnh lên và trở thành cơn bão số 1 của năm 2019 - tên quốc tế là Pabuk. Sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8), giật tăng hai cấp, tâm bão cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 500 km, cách Côn Đảo khoảng 450 km về phía Đông Nam.
Trong hôm nay và sáng mai, Pabuk đi theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15 km/h. Đến trưa mai, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 360 km và cách Côn Đảo khoảng 280 km, sức gió vẫn giữ nguyên.
Cơ quan khí tượng Trung ương dự báo, bão sau đó giữ nguyên tốc độ và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Đến 13h ngày 3/1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 220 km về phía Nam, sức gió tối đa vẫn 75 km/h.
Pabuk vẫn giữ nguyên tốc độ và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc. Đến chiều 4/1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 300 km về phía Tây Tây Nam, gió giật cấp 10.
Hướng đi của cơn bão tương tự với dự báo của các đài Mỹ, TSR (Đại học London) trước đó - tức bão chệch xuống phía Nam, sượt qua mũi Cà Mau chứ không vào đất liền các tỉnh Nam Bộ. Tuy nhiên, hoàn lưu bão hướng lên phía Bắc có thể gây mưa lớn ở các tỉnh Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh đang mạnh, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (gồm cả huyện đảo Phú Quý); các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió giật cấp 9, biển động mạnh.
Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật tăng hai cấp, biển động mạnh.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cảnh báo từ nay đến ngày 3/1, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên lại. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị tại các khu vực này.
Hữu Nguyên